Gia Lai: Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ


(GLO)- Bằng sự sáng tạo và nỗ lực tìm hướng đi riêng cho mình, nhiều bạn trẻ ở Gia Lai đã mạnh dạn thử sức và thành công bước đầu với những mô hình kinh tế mới. Đồng hành với họ là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(GLO)- Bằng sự sáng tạo và nỗ lực tìm hướng đi riêng cho mình, nhiều bạn trẻ ở Gia Lai đã mạnh dạn thử sức và thành công bước đầu với những mô hình kinh tế mới. Đồng hành với họ là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.



Tạo môi trường khởi nghiệp cho người trẻ
 

Chị Phạm Thị Bình-chủ cơ sở sản xuất Tâm Bình An (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) chọn cây sả chanh để chế biến sản phẩm trà từ lá sả. Chị Bình cho hay: Ở đây, người dân trồng rất nhiều sả, nhưng khi thu hoạch lại bỏ hết lá, trong khi lá sả có rất nhiều tinh dầu tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chị lên mạng tìm hiểu và thử nghiệm sấy lá để làm trà.

 

“Từ sự giới thiệu của những người đi trước, tôi được kết nạp vào Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Tại đây, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, được hướng dẫn nhiều vấn đề liên quan đến công việc sản xuất kinh doanh của mình. Từ đó, sản phẩm của tôi dần được hoàn thiện và có cơ hội mở rộng thị trường”-chị Bình chia sẻ.

 

Nhiều sản phẩm của thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3-4 sao. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều sản phẩm của thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3-4 sao. Ảnh: Vũ Thảo


Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) được biết đến với mô hình nuôi trùn quế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có được thành quả này, bản thân anh đã từng đối diện với nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để vượt qua.

 

Theo anh Hòa, với xuất phát điểm khác nhau thì những trở ngại ban đầu trong khởi nghiệp của từng người cũng sẽ khác nhau. Do đó, khởi nghiệp không dừng ở chỗ làm ra sản phẩm và bán có lãi mà là vấn đề đưa vào vận hành ổn định để có bước vươn xa, lớn mạnh hơn.

Trong khi đó, anh Thái Nguyễn Trung Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Gia Lai-cho hay: Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với một sản phẩm mới đó là tìm đầu ra. Với một cơ sở nhỏ thì vốn liếng tích lũy không nhiều. Do đó, công tác marketing vẫn còn rất hạn chế, gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường.

 

“Hiện HTX có 1 gian hàng OCOP Việt Nam đặt tại Pleiku. Ngoài việc bán tại đây, HTX còn kết nối đưa sản phẩm của địa phương mình đến tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khác”-anh Thành cho biết thêm.

Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai có 3.800 thành viên hoạt động online, trong đó có 200 thành viên hoạt động thường xuyên. Ông Trần Văn Trong-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-đánh giá: “Hầu hết những bạn trẻ tham gia Câu lạc bộ đều được hỗ trợ đăng ký về chất lượng, các thủ tục xây dựng thương hiệu, kết nối để tìm đầu ra, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ thành viên nâng cao trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời xu hướng kinh tế thời hội nhập”.

 

Nhiều sản phẩm của các bạn trẻ khởi nghiệp đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều sản phẩm của các bạn trẻ khởi nghiệp đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo


Theo ông Trong, đến nay, nhiều thành viên Câu lạc bộ đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, nhiều sản phẩm mở rộng được thị trường và phát triển bền vững. Về định hướng trong năm 2021, ông Trần Văn Trong cho biết, Câu lạc bộ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ hội viên, trong đó lồng ghép các chương trình khởi nghiệp gắn với việc thực hiện Chương trình OCOP. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng hỗ trợ hội viên thương mại hóa sản phẩm, thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để giúp đoàn viên, thanh niên.

Đánh giá về phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh-cho rằng, khó khăn lớn nhất của các bạn trẻ khởi nghiệp là về nguồn vốn, công tác quản trị. Bởi lẽ, đa phần các bạn đi từ mô hình hộ sản xuất kinh doanh nên chưa có kinh nghiệm trong công tác quản trị. Bên cạnh đó, tính kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.

 

“Với tiềm năng phát triển nông nghiệp và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, vì vậy nếu chúng ta liên kết được với nhau để tạo thành sức mạnh thì rất dễ để thành công. Thời gian tới, Hội cũng sẽ có những chương trình huấn luyện nhân sự, quản trị doanh nghiệp, chia sẻ cơ hội hợp tác, phát triển thị trường… Hội Doanh nhân trẻ cũng sẽ trở thành một kênh đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua những khó khăn và phát triển”-ông Thiên cho biết thêm.
 

 VŨ THẢO

 

Bài liên quan

Rửa xe gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo

(GLO)- Để giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, những ngày qua, Đoàn xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) và Đoàn thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình rửa xe gây quỹ. Hoạt động này thể hiện tính sáng tạo, xung kích vì ...

"Thập lý đào hoa" trên "cao nguyên trắng" Bắc Hà

Sau cơn sốt mai anh đào trên đồi chè Ô Long ở Sa Pa thì đến lượt những cây mai anh đào Bắc Hà (Lào Cai) gây ấn tượng. “Đây là năm mai anh đào nở đẹp nhất từ khi cây này được trồng ở đây”, Hương, chủ một homestay Bắc Hà cho hay. 

Sơ Pai về đích nông thôn mới

(GLO)- Sơ Pai là xã khó khăn của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Dù xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, cuối năm 2020, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. 
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội