Gia Lai đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp


(GLO)- Hiện nay, xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực mà tỉnh Gia Lai có thế mạnh, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đang được nhân rộng.

(GLO)- Hiện nay, xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực mà tỉnh Gia Lai có thế mạnh, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đang được nhân rộng.
 


Kết quả bước đầu

Ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Đồng Giao (DOVECO Gia Lai) cho biết: Công ty có diện tích hơn 3.675 ha (chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương rau, chuối tiêu hồng, rau chân vịt) thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với 1.075 hộ nông dân.

 

Hiện Công ty có tổ hợp 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. Đến năm 2025, vùng nguyên liệu của Công ty sẽ đạt trên 20.000 ha.

 

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên xem sản phẩm chanh dây của Công ty DOVECO. Ảnh: Lê Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên xem sản phẩm chanh dây của Công ty DOVECO. Ảnh: Lê Nam


Trong khi đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đang triển khai chuỗi sản xuất-chế biến-xuất khẩu cà phê với sự tham gia của hơn 7.000 hộ trên tổng diện tích liên kết là 20.000 ha, sản lượng thu mua hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân. Theo ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty, để xây dựng một chuỗi liên kết sản xuất thật sự bền vững, có tính ổn định lâu dài đòi hỏi các thành phần trong chuỗi phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình; đồng thời từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của thành viên trong chuỗi liên kết.

 

“Dự kiến năm 2021, Công ty liên kết sản xuất cà phê đạt chứng nhận 4C khoảng 25.000 ha, sản lượng thu mua đạt 80.000-90.000 tấn và có 10.000-12.000 hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, Công ty cũng giữ vững diện tích đạt chứng nhận UTZ với sản lượng 4.883 tấn gồm 338 hộ tham gia; liên kết sản xuất đạt chứng nhận Organic 140 ha, sản lượng thu mua và chế biến cà phê chất lượng cao đạt 280 tấn”-ông Hiệp cho hay.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các doanh nghiệp tham gia các chuỗi liên kết, tiêu thụ các sản phẩm: cà phê, chăn nuôi, mía đường, lúa gạo, gỗ rừng trồng, dược liệu... Hiện một số doanh nghiệp có những dự án lớn đã được UBND tỉnh cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi

Để hình thành thêm các chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ nông-lâm sản trên địa bàn, UBND tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Ông Trần Quang Toàn-Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời-cho biết: Lộc Trời phối hợp với thị xã An Khê thực hiện nhiều hạng mục lớn như hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Cung ứng giống rau-hoa-cây ăn quả Tây Nguyên; nâng cấp nhãn hiệu rau An Khê; thí điểm triển khai liên kết trên một số hợp tác xã trồng rau; tham gia tư vấn, đầu tư xây dựng chợ đầu mối, kho nông sản An Khê và một số mô hình khác có quy mô nhỏ hơn.

 

Còn tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông và Chư Pưh, Công ty đã ký kết các văn bản hợp tác về liên kết sản xuất các loại cây ăn quả. Riêng tại huyện Phú Thiện, Công ty đã tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trên diện tích gần 50 ha và thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tư vấn quy trình canh tác chất lượng cao.

 

Mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam


Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Hiện nay, xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn tập trung vào các sản phẩm chủ lực mà tỉnh có thế mạnh, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đang được nhân rộng. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục héc ta đến vài trăm héc ta. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính để đầu tư góp phần làm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

 


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông-lâm sản, với tổng diện tích khoảng 142.818 ha và tổng sản lượng chăn nuôi thực hiện liên kết đạt 789.078 tấn (heo, gà). Các bên liên kết gồm 66 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 4 trang trại, 11.862 hộ dân và 28 doanh nghiệp.

 

Nuôi theo thịt theo mô hình trang trại tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Nuôi heo thịt theo mô hình trang trại tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam


LÊ NAM
 

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội