Bộ Công Thương: Hỗ trợ lưu thông hàng hóa bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu Bộ Công Thương họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19: Đảm bảo đủ nguồn hàng trong mọi tình huống |
Quảng Ninh: Tuyệt đối không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá
Tại Quảng Ninh, Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 3784/SCT-QLTM4 ngày 12/11/2020 đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh; các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu những tháng cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, Sở Công Thương luôn bám sát tình hình biến động của thị trường hàng hóa, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Đảm bảo đủ hàng hóa và an toàn phòng dịch tại hệ thống siêu thị Vinmart Quảng Ninh |
Để thuận tiện cho công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu yếu phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo chỉ đạo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, siêu thị Big C &Go đã có văn bản gửi các Sở: Công Thương, Giao thông vân tải và Công An tỉnh Quảng Ninh cung cấp danh sách các xe của nhà cung cấp hàng cần đi qua các chốt kiểm dịch để được hỗ trợ cho các xe đi qua giao hàng cho Siêu thị.
Đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng; trên thị trường hàng hóa trong nước chiếm khoảng 80% ( trong đó, hàng hóa trong tỉnh chiếm khoảng 30 - 45%, tỉnh Hải dương chiếm khoảng 22 - 28% chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả, bánh kẹo, còn lại là của các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định...); còn gần 20% là hàng nhập khẩu từ nước ngoài chủ yếu nhập từ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Qua khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết trị giá gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo các loại, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác. Theo báo cáo một số đơn vị dự trữ nguồn hàng tương đối lớn để phục vụ Tết như Siêu thị MM Mega Market dự trữ khoảng gần 150 tỷ đồng tổng giá trị hàng hóa, Siêu thị Go! (Big C Hạ Long) dự trữ khoảng gần 130 tỷ đồng, hệ thống Siêu thị Vinmart dự trữ khoảng gần 100 tỷ đồng, siêu thị Aloha dữ trữ trên 80 tỷ đồng, siêu thị TTP dự trữ trên 15 tỷ đồng...
Tại các thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, hiện nguồn hàng hóa tương đối phong phú, đa dạng, giá cả cơ bản ổn định và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình kích cầu (giảm giá, bán hàng kèm tặng quà...); Nhu cầu tiêu dùng thị trường đã có xu hướng tăng từ 15-30% so với cùng kỳ tháng trước (tháng 12/2020). Dự kiến nhu cầu thị trường có thể tăng cao nhất trên 80% từ 04/02/2021 - 11/02/2021; công tác kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả... thường xuyên được tăng cường tại các cửa khẩu, đường món, lối mở, biên giới và các tuyến đường giao thông nhằm hạn chế các vi phạm về buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Tại các huyện trên địa bàn tỉnh: Tình hình hàng hóa cơ bản ổn định, công tác vận chuyển lưu thông hàng hóa được thường xuyên, liên tục, giá cả phù hợp với khả năng tiêu dùng của người dân. Đặc biệt tại các huyện hải đảo, miền núi hàng ngày đều có các chuyến hàng từ đồng bằng, đất liền đến các huyện góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa (mặt hàng thiết yếu, may mặc, thời trang, chăn, ga, gối, đệm...) cho bà con được đón Tết đầy đủ, vui vẻ, an toàn.
Như vậy, với tình hình dự trữ hàng hóa như trên đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa.
Về công tác phòng, chống dịch tại các chợ, TTTM, siêu thị, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 và sẽ kết hợp kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Sở Công Thương, Sở Y tế, UBND địa phương có đơn vị kiểm tra; Trung tâm truyền thông tỉnh) kiểm tra, giám sát không báo trước nhiều đợt đối với việc thực hiện 5k trong công tác phòng chống dịch (đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…) tại một số chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Yên; xử lý vi phạm, công khai kết quả xử lý vi phạm trên phương tiện truyền thông và khuyến cáo người dân, du khách không mua sắm, sử dụng dịch vụ tại những địa điểm không an toàn đối với công tác phòng chống dịch. Cung cấp thông tin triển khai bản đồ chung sống an toàn Covid-19 gửi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Hải Dương: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Cụ thể, trước đó, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 1986/KH-SCT ngày 16/11/2020 về phục vụ Tết Nguyên đán trong toàn ngành và triển khai đến các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã định hướng việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị lực lượng hàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh, với mục tiêu đủ nguồn hàng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, không để sảy ra tình trạng khan hàng – sốt giá trong dịp Tết. Kế hoạch đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thiết yếu; các thương nhân kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dự trữ lưu thông phù hợp, còn phải tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Qua nắm bắt chung trên địa bàn đến ngày 28/01/2021 cho thấy, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đều áp dụng và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19 (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).
Về khả năng cung ứng, tổng trị giá hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, các doanh nghiệp, Nhà phân phối lớn đạt trên 1.000 tỷ đồng (duy trì luân chuyển liên tục). Trong đó, siêu thị Big C chuẩn bị nguồn hàng trên 80 tỷ; Hệ thống Siêu thị + Cửa hàng tiện ích của Tập đoàn Masan chuẩn bị nguồn hàng trên 22,5 tỷ; Siêu thị BRG (Intimex cũ) chuẩn bị nguồn hàng trên 20 tỷ; Hệ thống Siêu thị Lan Chi chuẩn bị nguồn hàng trên 40 tỷ; Các DN kinh doanh xăng dầu trên 250 tỷ đồng...
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hiện nguồn cung nhiều, không chỉ sẵn sàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh mà còn cung ứng phục vụ nhân dân tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận.
Nhìn chung, sức mua trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định trong cả tháng 12/2020 và tháng 01/2021. Trong ngày 27/01/2021, nhân dân trong tỉnh đã nắm bắt thông tin về ca nhiễm Covid-19 khi xuất cảnh sang Nhật Bản (quê quán tại thành phố Chí Linh), tuy nhiên người dân tiếp tục nâng cao tinh thần phòng dịch theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế, mà không đổ xô đi mua hàng như dịp đầu tháng 3/2020. Dự báo, tính chung cả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sức mua sẽ tăng tối đa khoảng 15-17% so với Tết Canh Tí năm 2020. Nhu cầu mua sắm dự kiến sẽ tăng dần kể từ ngày 30/01/2021; trong đó cao điểm mua bán sẽ tập trung từ ngày 04/02/2021 đến hết ngày 11/02/2021 (tức từ ngày 23 đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý).
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương ngày 29/1, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ổn định so với ngày 28/1. Dự báo, trong dịp Tết Tân Sửu sẽ không có tình trạng khan hàng – sốt giá vì nguyên nhân mất cân đối cung – cầu hàng hóa. Riêng đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi... do tính chất tươi sống, khó vận chuyển, bảo quản nên những ngày cận Tết khả năng mức giá sẽ tăng nhẹ, trong ngắn hạn, với phạm vi hẹp.
Hải Phòng: Thị trường không có biến động lớn
Để bảo đảm nguồn cung thị trường dịp trước trong và sau Tết, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các Sở ban ngành trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 về việc thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên quan, góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mua sắm hàng hóa |
Sở Công Thương thành phố Hải Phòng có Văn bản số 2514/SCT-QLTM ngày 10 tháng 11 năm 2020 chỉ đạo các doanh nghiệp, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tổ chức cung ứng lượng hàng hóa thiết yếu phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; đề nghị các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố…
Sở Công Thương chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng; triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức các phiên chợ hàng Việt về hải đảo; vận động các doanh nghiệp bằng nguồn xã hội hóa đưa hàng Việt về nông thôn, dự kiến sẽ có một số doanh nghiệp tham gia như: Công ty cổ phần thương mại Minh Khai dự kiến 3-5 ngày sẽ có 1 chuyến hàng đưa về các huyện, Công ty TNHH MTV Coopmart dự kiến sẽ đưa 1-2 chuyến về các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải…
Theo Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 sẽ không biến động lớn. Hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay khá dồi dào, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại, nguồn cung đối với 9 nhóm hàng bình ổn tăng từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng Tết tăng 15-30% so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Siêu thị Big C tăng 30% lượng hàng dự trữ, Siêu thị MM Mega Market tăng khoảng 12-17%, Siêu thị Coop mart tăng khoảng 8-10%, siêu thị Vinmart và chuỗi cửa hàng Vinmart + tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ, Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long tăng 20-25%, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xanh Vinh Phát tăng 30-35%, Công ty cổ phần thực phẩm Anh Phát tăng 18-20%, Công ty TNHH Hoàng Minh tăng từ 18-22% so với cùng kỳ…
Trong thời gian tới, Sở Công Thương, Sở Tài chính và Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa trên địa bàn dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán, đảm bảo giá cả hàng hóa không biến động lớn, tạo tâm lý yên tâm mua sắm cho nhân dân trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bảo Ngọc