Đó là những nội dung khuyến nghị được nêu trong Báo cáo “Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, mới công bố.
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, tham vấn, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), CIEM đã hoàn thành báo cáo nêu trên, đưa ra góc nhìn mới, toàn diện hơn về hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam với khu vực RCEP và một số yêu cầu cải cách thể chế để thực thi hiệu quả RCEP gắn với cải thiện mức độ tự chủ của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM - nhận định: RCEP bao phủ 30% dân số toàn cầu sẽ tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thêm cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực. RCEP cũng có những tác động tích cực đến cải cách thể chế theo hướng tăng cường thêm động lực cho Việt Nam thực hiện các cải cách đã được xác định gắn với các cam kết trong các hiệp định CPTPP và EVFTA.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho cho rằng, thách thức từ RCEP đối với Việt Nam chính là khả năng tận dụng những ưu đãi từ hiệp định này, duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu cũng như xử lý bài toán nhập siêu. Khi RCEP mang đến thêm cơ hội cho Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại và công nghệ Mỹ - Trung..., có thể kéo theo sức ép gia tăng nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu đầu vào cho các dự án FDI.
RCEP đã được 15 nước đối tác thực hiện ký kết ngày 15/11/2020 |
Bên cạnh đó, việc sàng lọc chất lượng các dự án FDI là một chủ trương đúng, nhưng thực hiện hiệu quả việc này cũng không dễ. Việc kiểm soát dòng vốn FDI có thể tác động đến kinh tế vĩ mô cũng như cân đối giữa thu hút đầu tư, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng thể chế chính sách cũng là một thách thức.
Xử lý những vấn đề thách thức nêu trên phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận, khó có thể hiệu quả nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP.
Để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, CIEM khuyến nghị: Cần tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế vĩ mô, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất. Đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm gắn với một số ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP, mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực RCEP. Hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư, qua đó góp phần xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và nhập khẩu hàng trung gian, phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị RCEP.
Việt Nam cần đánh giá tác động từ RCEP đối với nhập khẩu và nhập siêu, vì thực thi RCEP tăng thu hút FDI sẽ làm tăng nhập siêu. Nếu tư duy nhập siêu là chấp nhận được khi Việt Nam có thể dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất xuất khẩu sang các thị trường khác để bù đắp lại thặng dư thương mại, thì Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro lớn. Đồng thời, Việt Nam cần phải xử lý hiệu quả hơn các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp.
Báo cáo của CIEM còn nhấn mạnh, để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, cải cách thể chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng theo hướng hài hòa hóa khi thực hiện các FTA lớn khác như CPTPP và EVFTA; trong đó, do CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao hơn và đã đi vào thực hiện, cải cách các lĩnh vực liên quan cần hướng tới các tiêu chuẩn tại các hiệp định này nghiêm túc, thay vì chờ đợi đến khi RCEP được thực thi mới cải cách.
Tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP cũng đòi hỏi sự nỗ lực phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam và các nước ASEAN có vai trò trung tâm trong việc hình thành ý tưởng và quá trình đàm phán RCEP, nên khi thực thi cũng phải giữ được vai trò trung tâm. Các nước ASEAN cần phải gia tăng hợp tác hiệu quả trong thu hút FDI…, thay vì cạnh tranh với nhau. Các lĩnh vực ASEAN cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách về thương mại và đầu tư (môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị…) và những nội dung khác cần tiếp tục thỏa thuận, hoàn thiện sau khi RCEP đi vào thực thi.
Ngoài ra, CIEM cũng cho rằng, RCEP không phải là FTA duy nhất hay là FTA cuối cùng mà Việt Nam tham gia. Việc thực hiện RCEP cần phải đặt trong một cân nhắc tổng thể và toàn diện hơn về việc tham gia và đóng góp vào chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh mới.
Ngọc Quỳnh