Tại buổi họp báo với các phóng viên đến từ nhiều quốc gia thuộc khối ASEAN, ông Igor Driesmans cho biết, EU đã viện trợ khoảng 800 triệu euro (tương đương với 968,2 triệu USD) cho các quốc gia ASEAN kể từ khi bắt đầu đại dịch.
"EU hỗ trợ tài chính để tăng công suất tại các bệnh viện, cơ sở y tế, tài trợ cho các nghiên cứu và hỗ trợ hồi phục kinh tế" - ông Igor cho biết thêm thông tin chi tiết. Đồng thời, các chuyên gia y tế của các nước ASEAN và EU cũng đã được kết nối và bàn bạc các vấn đề liên quan đến phân phối và cấp phép cho các loại vaccine Covid-19. Đồng thời, các bên cũng đã bàn thảo về những thách thức khác mà khu vực phải đối mặt trong đại dịch.
"Cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2020 và chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận trong tương lai gần", ông Igor nói.
Đại sứ Igor Driesmans tại buổi họp báo trực tuyến |
Nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh rằng, EU sẽ giúp đỡ các quốc gia đang phát triển để mua sắm vaccine. Hiện nay, EU không có kho dự trữ vaccine và sẽ phân phối tất cả liều lượng vaccine cho các quốc gia có nhu cầu. Ông nhấn mạnh, sự khan hiếm vaccine đang diễn ra trên thế giới là do việc sản xuất vẫn đang ở giai đoạn đầu và các thủ tục cấp phép vẫn chưa được hoàn thành.
Trước đó, EU và các nước thành viên đã đặt hàng vaccine với nhiều công ty dược khác nhau. "Chúng tôi không chắc về tiến trình cũng như kết quả nghiên cứu của các công ty, dẫn đến việc đặt hàng tại các công ty khác nhau và do đó, lượng vaccine đặt trước tại các công ty dược có xu hướng vượt quá nhu cầu sử dụng của chúng tôi. Chúng tôi cam kết sẽ phân phối vaccine còn lại cho tất cả các quốc gia có nhu cầu", ông Igor giải thích.
Ông Driesmans cũng cho biết EU cam kết sẽ ủng hộ "vai trò trung tâm của ASEAN" trong cấu trúc khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cởi mở, minh bạch và toàn diện.
Hồi 1/12/2020, EU và ASEAN đã nhất trí nâng tầm quan hệ giữa hai khối lên Quan hệ Đối tác chiến lược. Hiện, EU đang tích cực tăng cường sự hiện diện tại khu vực này.
Thu Thủy