Mặc dù gặp khó khăn do thời tiết và dịch bệnh Covid-19 hoành hành, trong năm 2020 các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Lào Cai vẫn tích cực hoạt động, với sự đồng hành của các cơ quan chức năng hỗ trợ về cơ chế, chính sách như tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh chuyên gia kỹ thuật, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm..., nhờ vậy, sản xuất công nghiệp ở Lào Cai vẫn tăng trưởng khá cao.
Thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020 đạt 37.050,8 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 12,5% so với năm 2019, vượt 2,4% so với kế hoạch đề ra và vượt 10,6% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đã đề ra đến năm 2020.
Ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, khẳng định: “Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng là một điểm nhấn đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo gồm sản xuất phốt pho vàng, sản xuất các loại phân bón, axit photphoric... năm 2020 sản lượng tăng khá cao, đạt 26.380 tỷ đồng, vượt 6,3% kế hoạch đề ra, tăng 10,3% so với năm 2019, tiếp tục khẳng định Lào Cai là trung tâm luyện kim, hóa chất của cả nước. Sản xuất và phân phối điện tiếp tục phát huy được tiềm năng thủy điện, với giá trị sản xuất đạt khoảng 7.907 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch, tăng 35,5% so với 2019”.
Khu công nghiệp tập trung ở Lào Cai. Ảnh minh họa |
Trong số 3 khu công nghiệp đang hoạt động tại Lào Cai, tính đến hết năm 2020, Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải với diện tích 85 ha đã lấp đầy 100%; Khu Công nghiệp Đông Phố Mới với diện tích 100 ha, đã lấp đầy đạt 96,7%; Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, diện tích 1.100 ha, cũng đã lấp đầy được 79,2%. Ngoài ra, tại Lào Cai, hiện cũng đã có thêm 01 khu công nghiệp tại xã Phong Niên và Thái Niên thuộc huyện Bảo Thắng, với diện tích 1.000 ha và 01 khu công nghiệp chuyên gia công, chế biến, đóng gói hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Kim Thành - Bản Vược với diện tích 228 ha... đã và đang được triển khai.
Tuy nhiên, ông Hoàng Chí Hiền cũng cho biết, sản xuất công nghiệp tại Lào Cai một số dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, dự án DAP số 2, DCP của Hóa chất Phúc Lâm, giá thành sản xuất còn cao, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp, tiêu thụ gặp khó khăn; dự án Gang thép Việt - Trung khó khăn về tài chính nên sản xuất không đạt công suất; sản xuất phốt pho vàng tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán thấp... Nguyên nhân, do công tác nghiên cứu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; công nghệ sản xuất còn lạc hậu, kém đồng bộ... dẫn đến chi phí sản xuất lớn và tiêu hao nhiều năng lượng nhiên liệu trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, công nghiệp địa phương phát triển còn chậm, sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa có sản phẩm chủ lực công nghệ cao. Khuyến công dù đã mở rộng, nhưng chưa tác động mạnh đến đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.
Nhận định, kinh tế thế giới vẫn còn tiểm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, dịch bệnh trên người và gia súc còn diễn biến phức tạp; nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất công nghiệp như xăng, dầu, than cốc, thép, máy móc, thiết bị có xu hướng tăng cao; phục hồi sản xuất của một số doanh nghiệp chưa có dấu hiệu tích cực..., song ông Hiền cho biết, ngành Công Thương Lào Cai vẫn đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 đạt tổng giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 40.400 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ngành Công Thương Lào Cai sẽ tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, triển khai các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm đang triển khai, trong đó có các dự án thuỷ điện đang thi công, nhất là đối với 7 dự án thuỷ điện dự kiến hoàn thành trong năm 2021 (thuỷ điện Pa Ke, Nậm Lúc, Móng Sến, Bản Hồ, Pờ Hồ, Phúc Long, Bảo Nhai 2). Đôn đốc hoàn thành các dự án điện nông thôn cấp điện cho các thôn bản trắng; triển khai dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì sản phẩm. Hình thành các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về chuyển giao công nghệ, sản xuất chế biến sản phẩm nghề truyền thống và các đặc sản địa phương, khởi sự doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đưa các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào khu vực sản xuất tập trung. Quản lý khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng giảm tác động môi trường, an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy sản xuất dây cáp điện công nghệ cao, cán kéo thép, tuyển graphit... để tạo ra sản phẩm cho giai đoạn sau. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư.
Ngọc Quỳnh