Doanh nghiệp đề xuất "cứu nguy" ngành chăn nuôi


Có giải pháp cân đối phương án lợi nhuận cho các khâu trong chuỗi, đồng thời có kế hoạch dự trữ cũng như đa dạng trong chế biến các sản phẩm chăn nuôi là những giải pháp được doanh nghiệp đề xuất.

Trước bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như: giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương…

Cần phương án cân đối lợi nhuận cho các khâu

Điều này không chỉ gây áp lực nên người chăn nuôi và doanh nghiệp trong ngành, đồng thời “đe doạ” tới việc đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm – dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần cận kề. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có đề xuất các giải pháp ngắn hạn và lâu dài giải quyết tồn tại của ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, 9 tháng năm 2021 giá thịt lợn xuất chuồng cao nhất 75.000 đồng/kg, vừa qua nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng nên giá còn 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng bán thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM vẫn ở mức cao khoảng 110.000 – 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg, tăng cao do khâu lưu thông phân phối.

Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn do không phải vận chuyển đi xa nên giá thịt lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, ông Trọng cho rằng mức giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng.

Lý giải về ý kiến chênh lệch giá xuất chuồng và giá thành phẩm mà GS Lã Văn Kính đưa ra, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thời gian quá giá xuất chuồng giảm là do ứ đọng trong chuồng do nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương lớn giảm mạnh.

“Bên cạnh đó, giá thành phẩm tại siêu thị tăng cao cũng bao gồm nguyên nhân do khó khăn và phát sinh chi phí trong khâu vận chuyển”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.

Theo GS Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao.

Giá thịt lợn ảnh hưởng vào rổ hàng hóa CPI rất lớn. Đó là lý do, ngành nông nghiệp cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để đảm bảo nguồn cung chăn nuôi, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung tái đàn, sớm ngăn chặn xu hướng giảm của đàn lợn, đàn gia cầm khi các tỉnh, thành phố mở cửa trở lại sau giãn cách" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Nếu Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá thì lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn và giá lợn hơi sẽ tăng lên. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến để Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá của mình”, ông Lã Văn Kính nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Kính, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay thì người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. “Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định. Có thể nói, người chăn nuôi đang không có quyền gì”, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi phân tích.

Đồng thời cho rằng mong muốn lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay là làm sao giá bán cao hơn giá thành để đảm bảo được lợi nhuận, trang trải cuộc sống của mình.

Do đó, ông Kính kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi và ví dụ ở Đài Loan, giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý. “Nếu muốn tăng giá họ phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm”, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhấn mạnh.

Đa dạng chế biến sản phẩm chăn nuôi

Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết, hệ thống tiêu thụ của bà đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát. Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố.

Hiện Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc, về các mặt hàng thịt, rau củ quả tươi. Bà cũng lưu ý về mặt hàng thịt đông – đây là sản phẩm đang được Nutrimart bán chạy bởi nhiều ưu điểm như bảo quản lên tới 12 tháng.

Theo bà Hằng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. “Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Nutri Mart sẽ tham khảo thêm nhiều công nghệ, chẳng hạn túi đựng thực phẩm. Nếu đặt thịt trong những túi này, có thể bảo quản trong 12 tháng ngay cả ở điều kiện thông thường.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội