Cần xác định đúng nút thắt của nền kinh tế
Tại phiên thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Quốc hội, nhìn nhận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế từ ngành năng lượng tái tạo, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đề nghị, tái cơ cấu nền kinh tế cần tiếp cận theo hướng: tập trung xác định những nút thắt để có biện pháp cụ thể, khả thi, bởi nếu không giải tỏa nút thắt thì cũng không khác nào "xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được điểm nghẽn".
Lấy ví dụ cụ thể từ 1 ngành - ngành điện, ĐBQH Trần Hữu Hậu nêu: "Chỉ 1 thay đổi về chính sách, đất nước từ chỗ luôn lo lắng vì thiếu điện bỗng dư điện. Mà điện dư ấy là điện sạch từ gió, từ mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, lại phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước.
Nhưng rồi phải tạm ngừng phát triển, những nơi đã phát điện thì cắt giảm công suất. Lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong lúc điện dư càng dùng nhiều thì giá lại càng tăng, rất phi thị trường".
Theo ĐBQH, khung giờ từ 9h đến 11h sáng là khung giờ vàng cho sản xuất, cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời, nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả tiền điện với mức giá cao nhất.
Ông Trần Hữu Hậu cho rằng, mâu thuẫn và nút thắt này bắt nguồn từ việc "lỡ hẹn" xây dựng thị trường điện cạnh tranh, vốn được bàn luận từ cách đây gần 20 năm khi xây dựng Luật điện lực. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải tách bạch rõ ràng các khâu và Nhà nước chỉ nắm khâu then chốt, huyết mạch như truyền tải điện, còn lại để doanh nghiệp cạnh tranh tham gia.
Đặc biệt, ĐBQH nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu đây là việc khó nhưng điều khó nhất, nút thắt khó gỡ nhất nằm trong tư duy và quyết tâm, chịu làm hay không, dám làm hay không. Tôi nghĩ chắc phải 10 năm mới xong nên đặt mốc 2020 cho chắc ăn. Tiếc rằng bây giờ đã cuối năm 2021 nhưng chuyện có một thị trường điện thực sự có vẻ vẫn còn rất xa vời".
Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Hậu bày tỏ tin tưởng trong 5 năm tới, nếu ngành điện xác định được những nút thắt của mình, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia,...
Khi đó, ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn, ngành điện sẽ góp phần xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.
Từ câu chuyện của ngành điện, ông Hậu kết luận: "Trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp, thì sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá. Đó là 1 trong những phương thức để cơ cấu lại nền kinh tế một cách thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất".
Phân bổ nguồn lực đang mất cân đối
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến, việc phân bổ nguồn lực đang mất cân đối, có những vùng chưa được đầu tư thỏa đáng để khai thác cơ hội như phát triển giao thông, hạ tầng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ hoặc kinh tế biển, đặc biệt là vận tải biển cũng không được đầu tư phát triển thỏa đáng.
Điều đó dẫn tới nền kinh tế thiếu các trụ cột thỏa đáng để tạo sự phát triển, ông Cường cho biết, để có nền kinh tế hùng cường, phải dựa trên các trụ cột là tập đoàn kinh tế mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghệ số trong các hoạt động quản lý.
Phát biểu tại cuộc họp, theo ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên): "Quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ 'đọ' quy hoạch kia.
Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Đồng thời việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được quản lý chặt chẽ".
ĐBQH Đào Hồng Vận cũng thông tin thêm, liên kết vùng là hết sức cần thiết. Để liên kết vùng được phát huy hiệu quả, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể và rõ ràng. Sau mỗi thời kỳ cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp mang tính định hướng, chủ đạo của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác đang làm tốt, phù hợp với kinh tế thị trường thì để xã hội làm, không để tình trạng lĩnh vực xã hội làm tốt mà vẫn cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là định giá chính xác, phải được đấu giá một cách công khai rộng rãi, minh bạch.
Đồng thời, tiếp tục cơ chế tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi cần nguồn lực phải triển khai được ngay để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, tránh tình trạng lãng phí.