Hà Nội: Cô gái mất gần 20 triệu ở cây ATM vì vội rời đi khi giao dịch chưa hoàn thành, tá hỏa lên mạng cầu cứu


Bất cẩn rời đi khi giao dịch chưa hoàn thành, người phụ nữ phải lên mạng cầu cứu vì mất gần 20 triệu đồng.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ thông tin của một khách hàng nhờ giúp đỡ tìm một người đã đến giao dịch tại cây ATM trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người này được cho là đã nhận 19,5 triệu đồng khi khách hàng trước đó đã giao dịch gửi số tiền nói trên nhưng chưa hoàn thành.

Hà Nội: Cô gái mất gần 20 triệu ở cây ATM vì vội rời đi khi giao dịch chưa hoàn thành, tá hỏa lên mạng cầu cứu - Ảnh 1.

Theo chia sẻ của người phụ nữ, sáng 13/10 chị tới cây ATM nộp số tiền 19,5 triệu. Tuy nhiên khi giao dịch còn chưa hoàn thành thì chị đã rời đi. Theo người phụ nữ, ngay sau đó có một người đàn ông trung niên đã tới cây ATM nói trên và lấy số tiền trong khay. Người đàn ông này vào lấy tiền rồi rời đi ngay, chưa thực hiện giao dịch nào nên phía ngân hàng không nắm được thông tin.

Dù rất sốt ruột và lo lắng nhưng do phải đợi ngân hàng thực hiện tra soát nên tới 5 ngày sau (28/10), nữ khách hàng mới được phía ngân hàng cung cấp hình ảnh của người đàn ông kia. Ngay sau đó, chị đăng lên mạng cầu cứu với hi vọng có thể lấy lại được tiền.

Sự cố mất tiền ở cây ATM có lẽ không xa lạ với nhiều người, nguyên nhân phần lớn do thiếu tập trung, vội vàng. Có trường hợp vừa rút tiền xong thì đã vội rời đi, quên luôn số tiền trên khay, tới khi nhớ ra quay lại thì đã không còn nữa.

Nhặt được của rơi không trả lại là vi phạm pháp luật

Nhận định về tình huống trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM cho hay, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì có hai hướng xử lý là: Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó và trường hợp không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, dù biết hay không biết địa chỉ của người đánh rơi, bỏ quên tài sản, dù tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị lớn hay nhỏ thì việc chiếm giữ, chiếm đoạt tài sản cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Người nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà cố ý không trao trả cho người đánh mất hoặc không giao nộp cho UBND cấp xã, công an cấp xã sẽ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Theo điểm e, khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 02 đến 05 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó là do vi phạm pháp luật mà có.

Trường hợp người đàn ông (như trong hình ảnh camera) phát hiện tiền của người khác trong khay máy ATM đã lấy và cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm khi có yêu cầu đã phạm vào tội "chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, tội "chiếm giữ trái phép tài sản" được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và cho đó là của mình là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo quy định, người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Như vậy, cần giám định chiếc đồng hồ này có phải chính hãng, trị giá bao nhiêu. Nếu có giám định trên 10 triệu đồng thì hành vi chiếm đoạt tài sản của người nhặt đồng hồ đã cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Luật sư Bình cho biết thêm, người nhặt được của rơi mà tài sản mặc nhiên có người nhận thì thôi, đó là đạo đức xã hội. Trường hợp nhặt của rơi mà báo cho cơ quan có thẩm quyền, sau 1 năm cơ quan ra thông báo nhưng không có người nhận thì người nhặt được của rơi có thể được thưởng.

Cụ thể, đối với tài sản dưới 10 tháng lương cơ bản thì người nhặt được sẽ được giao luôn tài sản đó, còn tài sản trị giá trên 10 tháng lương cơ bản thì phải giao cho nhà nước.

Ngoài 10 tháng lương cơ bản được hưởng, người nhặt được của rơi còn được hưởng thêm 50% giá trị của tài sản nhặt được sau khi đã trừ 10 tháng lương cơ bản.

Tuy nhiên, tài sản nhặt được là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì không được hưởng 10 tháng lương mà phải trả cho nhà nước nhưng được thưởng và thưởng bao nhiêu thì do nhà nước tùy nghi, không quy định.

Liên quan đến sự việc trên, sáng 31/10, trao đổi với chúng tôi, khách hàng (người mất tiền) cho biết, hiện tại chị vẫn chưa nhận được thông tin về người xuất hiện trong hình ảnh, chị cũng không muốn chia sẻ thêm và từ chối cung cấp thông tin, chấp nhận mất số tiền này.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội