Một trong những ác mộng lớn nhất với dân tình đó là mong chờ mòn mỏi cả tháng mới đến ngày lãnh lương nhưng chưa kịp "ăn chơi" cho bỏ công thì đã hết sạch tiền. Lý do thì vô vàn nhưng chủ yếu cũng xoay quanh chuyện trả nợ, thanh toán các hóa đơn, tiền nhà - điện - nước, gửi về cho gia đình hoặc trót mua sắm "quá tay" ngay khi "anh lương" vừa đến….
Tất nhiên chẳng ai muốn sống cả tháng vất vả, xoay đầu này chạy đầu kia để cho qua bữa rồi. Nhưng đâu phải nói không muốn là xong, để có thể thoát ra khỏi tình trạng "tiền đi đâu hết thế" ngay khi vừa nhận lương, bạn có thể thử qua những cách sau!
1. Để dành ngay một khoản ngay sau khi lãnh lương
Làm gì thì làm, thu nhập bao nhiêu mặc kệ, vừa lãnh lương xong bạn phải để dành ngay một khoản tiền tiết kiệm. Nhiều người trẻ bây giờ hoàn toàn không có lối sống tiết kiệm hay bất cứ khoản tiền backup cho các tình huống khẩn cấp nào. Làm được 10 đồng thì tiêu hết thảy để rồi khi có vấn đề phát sinh trong tháng, lại không biết xoay sở như thế nào.
Lời khuyên chân thành nhất là làm gì thì làm, thu nhập bao nhiêu mặc kệ, vừa lãnh lương xong bạn phải để dành ngay một khoản tiền tiết kiệm. Con số đó có thể chỉ 10% thu nhập của bạn thôi cũng okila hết. Miễn sao nó có thể giúp bạn sống còn nếu trong tháng thật sự cạn ví không còn một cắc nào. Còn không, tích tiểu thành đại, số tiền bạn để dành mỗi tháng có thể không nhiều nhưng về lâu về dài sẽ được một khoản to to, không bõ công bạn nhịn tiêu trong bao nhiêu ngày đâu!
2. Tránh xa nợ nần
Thực tế là khi vừa lãnh lương đã nhẵn túi, đa phần mọi người đều chọn cách mượn nợ để sống còn trong những ngày đợi kỳ lương tiếp theo. Đấy là chuyện mà ai cũng từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Đơn giản ai cũng nghĩ vay ít ít, toàn bạn bè người quen, có lương trả ngay thôi mà - chẳng sao.
Thế nhưng một khi đã vay mượn, lâm vào cảnh nợ nần, việc đi làm mỗi tháng của bạn chỉ là làm để trả nợ. Nó không còn mang nghĩa làm để có tiền lo cho tương lai hay có cuộc sống thoải mái hơn chút nào rồi. Có nhiều người thậm chí còn dùng trọn tiền lương để trả nợ rồi lại phải vay mượn, cứ thế xoay vòng mỗi tháng, chẳng có lối thoát. Tốt nhất bạn nên học cách chi tiêu hợp lý, xài tiền trong khả năng và không nên vay quá nhiều tiền hay nhiều lần. Làm được điều này, tình hình "viêm màng túi" của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
3. Tập thói quen sử dụng tiền mặt
Cùng với sự phát triển của xã hội, cuộc sống của dân tình ngày càng nhiều tiện lợi và ưu việt hơn hẳn. Một trong số những tiện ích mà giờ ai cũng xài đó là quẹt thẻ, thanh toán online mọi lúc mọi nơi. Thậm chí có người còn thẳng thắn chia sẻ "giờ chẳng ai dùng tiền mặt nữa". Tuy nhiên, sự tiện lợi, nhanh chóng và sang chảnh của việc quẹt thẻ, thanh toán online lại đi kèm một nhược điểm to đùng: tạo thói quen tiêu tiền phung phí.
Lý do dễ hiểu và tiền trong tài khoản bạn không thể nào nắm bắt được, chẳng ước lượng nhiều hay ít, cứ hời hợt đọc số tài khoản còn dư, nếu thấy đủ sẽ quẹt thẻ mua sắm tiếp. Vô hình trung, nhiều người tiêu sạch tiền trong thẻ, chẳng còn được mấy đồng, đến khi giật mình thì đã hết nhẵn tiền phải sống chật vật để mau qua tháng. Cách khắc phục là bạn nên rút tiền mặt theo từng khoản nhỏ để kiểm soát được từng tờ ngay cả tiền lẻ. Cầm tiền trong tay sẽ khiến bạn biết xót, biết kiểm soát các khoản chi hơn. Việc làm thì đơn giản mà hiệu quả thì không nhỏ chút nào, tin tôi đi!
4. Lập kế hoạch chi tiêu
Một người chi tiêu hoang phí, không có tiền tiết kiệm, mới lãnh lương đã phải đi vay tiền chính là hình mẫu rõ ràng nhất của người không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Lập kế hoạch chi tiêu đơn giản là liệt kê các khoản tiền phải chi thiết yếu trong tháng như tiền nhà, điện nước, ăn uống, mua sắm… mà bắt buộc phải bỏ ra và không được phép tiêu hụt vào.
Tiếp theo đó là khoản sẽ để dành cho tiết kiệm. Sau khi trừ hết những khoản thiết yếu và tiết kiệm bạn được phép tiêu tiền cho những khoản phát sinh và thỏa mãn bản thân khác. Tùy theo thu nhập của mỗi người mà bạn có thể cân đối chi tiêu sao cho hợp lý và thoải mái nhất. Thực hiện được điều này bạn mới có thể trông đợi tiền lương dư dả, tiêu thoải mái đến cuối tháng cũng không phải đi vay.
5. Đem tiền tiết kiệm đi đầu tư
Lời khuyên dành cho những ai muốn dư dả hơn chút và đã có nền tảng đầu tư, kinh doanh sẵn hãy sử dụng tiền tiết kiệm của mình để đẻ ra nhiều tiền hơn nữa. Đem tiền tiết kiệm đi đầu tư là một cách kiếm tiền mạo hiểm nhưng nếu có chút chút kiến thức và kinh nghiệm, thứ bạn nhận lại sẽ "không phải dạng vừa đâu". Cách làm này không chỉ rút bớt thời gian cày cuốc cho công việc của bạn mà còn giúp bạn thảnh thơi hơn trong cuộc sống rất nhiều.
Tham khảo: Bankrate, The Blance, Ảnh: Minh họa