1. Kiên nhẫn lắng nghe, không đổ tội, không kêu ca
Có câu nói thế này: "Làm việc gì cũng nên suy nghĩ ba lần trước khi hành động, mới trở thành người đại trí huệ."
Cùng một khó khăn, nhưng cách phản ứng khác nhau sẽ dẫn đến cuộc đời khác nhau.
Có người gặp chuyện không thuận lợi liền đổ lỗi lên người khác, sau đó giận dữ trách than với ông trời. Bản chất của họ nóng nảy, và không bao giờ tự kiềm chế được tính tình của chính mình. Về sau vì vậy mà gây nhiều phiền hà cho chính mình và người xung quanh.
Ngược lại, những người thành đạt luôn là người kiểm soát lý trí cao độ, không bao giờ để bản thân làm những điều mà họ hối hận.
Bởi vì dù có làm sai, họ vẫn khoan dung cho chính mình, chấp nhận khuyết điểm của người khác, nên được người khác tin cậy hơn!
Dù gặp rắc rối nhỏ hay lớn, điều quan trọng nhất là bạn phải tìm ra cách giải quyết phù hợp, mà không phải nóng nảy lên án.
Người có bản lĩnh là người dám đối mặt với tất cả vấn đề. Họ kiên nhẫn chấp nhận mọi thử thách, vì vậy họ mới có thể đi đến thành công.
2. Đối xử tốt với bản thân, không suy nghĩ quá nhiều
"Không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai. Quá khứ đã qua rồi, tương lai lại chưa đến…"
Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, đừng quá lo lắng cho tương lai. Cũng đừng đắm chìm trong quá khứ, bởi vì chúng ta chẳng thể thay đổi được gì.
Những người làm nên nghiệp lớn sẽ luôn biết cách "đối đãi lương thiện" với chính mình. Thậm chí họ còn học được cách đặt kế hoạch nhưng không suy nghĩ quá nhiều về những điều không cần thiết.
Buông bỏ những điều khiến bạn phiền não, quên đi những người từng làm bạn tổn thương, quá khứ rồi sẽ qua, chỉ khi tâm bạn thực sự buông bỏ, thì mới có thể đón nhận một tương lai tốt đẹp hơn.
Có nhiều người sống không được như ý là vì họ suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến "tâm bệnh".
Mà tâm bệnh cứ phá rối trong tâm hồn khiến bản thân họ thường xuyên mắc sai lầm, nên không thể tập trung sống cho hiện tại nữa.
Bạn hãy cứ nghĩ rằng: Mọi thứ xui xẻo đã gặp, đều là một bài học mà bạn cần đối mặt. Có đôi lúc nghĩ đơn giản một chút thì cuộc đời mới dễ bình yên!
3. Làm việc gì cũng nhớ chừa đường lui, chừa thể diện cho người khác
Trong cách đối nhân xử thế, người có chí lớn luôn dùng cách "lấy đức phục nhân". Họ bao dung cho cả đối thủ, chính vì vậy dễ dàng biến thù thành bạn.
Giữ thể diện cho người khác không phải là thỏa hiệp, cũng không phải nịnh nọt, mà là cách để chừa đường lui cho chính mình.
Nếu lúc nào bạn cũng dùng cách "ăn miếng trả miếng" để đối phó với người khác, thì lỡ một ngày nào đó bạn bị đánh bại. Bạn sẽ phải rơi vào kết cục tương tự.
Chúng ta nên nhìn giá trị của mọi mối quan hệ ở góc độ lâu dài. Đừng cư xử quá lỗ mãng hay tuyệt tình, vì chẳng ai biết trước được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì…
4. Đừng lợi dụng người khác, đừng nợ nần họ
Một vài người có thói quen thích lợi dụng người khác. Họ cứ nghĩ bản thân đã thu được lợi, nhưng lại không biết tự mình phải trả cái giá đắt hơn. Đó là làm mất đi sự tín nhiệm của người khác đối với mình.
Mà một người khi đã mang danh "không đáng tin", thì bạn bè và các mối quan hệ sẽ dần ít. Khi bạn gặp chuyện, chẳng ai còn đủ lòng tin và nguyện ý đứng ra giúp đỡ nữa.
Những người có năng lực sẽ không bao giờ dùng cách lợi dụng người khác để đạt được điều mình muốn. Họ sợ thiếu nợ, chính vì vậy dù phải trả giá nhiều hơn bằng công sức của mình, họ vẫn không ngại khổ.
Những người như thế sẽ luôn được người khác tôn trọng, thân thiết và quý mến.
Nhưng bạn đừng hiểu lầm giữa việc "không nợ người khác" và để người khác lấn lướt.
Không nợ người khác nghĩa là "người kính ta một thước, ta nhường người một trượng".
Chỉ cần tâm ta vững vàng, lương thiện, thì sợ gì người khác nói ra nói vào.