Một người khi đến giây phút cuối cùng của đời mình, biết rằng cuộc đời sắp sửa đến điểm kết thúc sẽ là lúc họ chiêm nghiệm lại toàn bộ những năm tháng đã trôi qua. Họ có cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc, cũng có thể ân hận về những gì họ làm sai hoặc ước gì họ đã làm điều gì đó khiến đời mình khác biệt.
Hãy đoán xem, con người chúng ta thường hối tiếc nhất về điều gì? Trong cuốn sách được xuất bản năm 2012 của diễn giả truyền động lực Bronnie Ware đã đưa ra những điều hối tiếc lớn nhất khi một người cận kề với cái chết. Và hóa ra, đến cuối cùng, những gì chúng ta tiếc nuối trong đời cũng chỉ là những điều đơn giản, đôi lúc còn bị xem là quá tầm thường.
"Khi chúng ta còn trẻ, thế giới dường như rất rộng lớn và chứa đầy những khả năng vô tận, thời gian và cơ hội dường như là vô hạn", Carla Marie Manly, tiến sĩ - nhà tâm lý học lâm sàng cho biết. "Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, nhận thức về bản chất hữu hạn của cuộc sống ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Những người nhận thức được bản thân có xu hướng tìm kiếm các cơ hội trong cuộc sống. Những người ít hiểu về bản thân thường sa lầy vào tiêu cực và sẽ có thể dẫn đến nhiều hối tiếc".
Và tiến sĩ Manly đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực có thể giúp chúng ta tránh phạm phải những hối tiếc lớn nhất của đời người. Điều bạn có thể làm ngay hiện tại - bất kể là bao nhiêu tuổi hay tình trạng sức khỏe ra sao - hãy cố gắng để sống một cuộc sống khiến chúng ta không bao giờ phải nuối tiếc.
"Tôi ước gì mình đã có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình chứ không phải cuộc sống mà người khác mong đợi".
Nếu bạn đang đối mặt với sự hối tiếc này, hãy cố gắng loại bỏ những niềm tin hạn chế mà bạn nuôi dưỡng xung quanh việc bạn nghĩ mình phải trở thành ai và tại sao. Mặc dù có vô số lý do khiến một người bước trên một con đường nhất định, nhưng cũng luôn có cơ hội để phấn đấu trở thành con người đích thực của bạn.
Nếu bạn cảm thấy bối rối về việc không sống thật với chính mình trong quá khứ, hãy tìm cách loại bỏ chúng ngay từ đầu. Tiến sĩ Manly cho biết: "Hãy để ý khi nào một sự hối tiếc bắt đầu hình thành trong tâm trí bạn. Điều này thường xuất hiện thông qua các câu hỏi nội tâm, chẳng hạn như 'Tôi ước mình sẽ có...' hoặc 'Tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu ...'. Sau đó, hãy cam kết thay đổi, ngay cả khi sự thay đổi rất nhỏ và chậm, đối với cách sống đó".
"Tôi ước gì tôi đã không làm việc chăm chỉ như vậy".
Điều chỉnh vấn đề này có thể hơi khó khăn một chút vì sẽ tùy thuộc vào ngành nghề cũng như vai trò của bạn nhưng tựu trung là cần thiết lập một ranh giới giữa đời sống cá nhân và công việc.
Có thể bắt đầu bằng cách sử dụng ngày phép để bạn có thể thưởng cho mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Cũng có thể là sắp xếp công việc để không phải trả lời e-mail hay mở máy tính lên để làm việc vào cuối tuần. Hoặc khả năng khác là chuyển hướng sang một cộng việc khiến cho bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Bất cứ sự thay đổi cụ thể nào có ý nghĩa đối với cuộc sống hiện tại của bạn đều có ích, cũng có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể nỗ lực thực hiện một cam kết nào đó cho bản thân.
"Hãy luôn tập trung vào những điều tốt đẹp đã tích lũy được trên con đường từng đi qua, thay vì mãi day dứt về những thứ đã lãng phí trong quá khứ", tiến sĩ Manly nhắc nhở. Suy cho cùng, không có những sự kiện xảy ra trong quá khứ sẽ không thể hình thành nên con người của bạn ở hiện tại.
"Tôi ước gì đã cho phép bản thân được sống hạnh phúc hơn".
Hạnh phúc không phải là đích đến mà nó là một trạng thái hiện hữu. Và khi rất nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của bạn thì việc chuyển sang một cách suy nghĩ tích cực hơn luôn là điều đáng giá.
Tư duy tích cực có thể đạt được thông qua một số cách thức như liệt kê ra những điều mà bạn cảm thấy mình may mắn hay biết ơn, thực hiện các công việc thiện nguyện, làm những hành động tử tế... chắc chắn sẽ có rất nhiều chiến lược để bạn có thể thay đổi góc nhìn của mình theo cách tích cực hơn.
“Dù bạn ở độ tuổi nào, không bao giờ là quá muộn để mở rộng khả năng yêu thương, kết nối và sống thật với chính mình", tiến sĩ Manly cho biết.