Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là lý thuyết tự quyết, đề cập đến khả năng của mỗi người khi đưa ra lựa chọn và quản lý cuộc sống của chính mình.
Nói đơn giản, lý thuyết này cho rằng khi một người cảm thấy mình có khả năng hoàn thành một việc gì đó, hành động của họ xuất phát từ động lực nội tại. Nếu như trong quá trình này, họ có được sự ủng hộ và động viên từ những người xung quanh, cảm nhận được giá trị của bản thân và việc làm của mình, họ có thể sẽ phát huy được khả năng một cách tốt nhất.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, nếu bố mẹ áp dụng được thuyết tự quyết đối với trẻ, chúng sẽ có khả năng phát triển được bản thân, hình thành sự tự tin, tính độc lập tự giác. Quan trọng là trẻ sẽ có thể cảm thấy được tôn trọng, được yêu thương và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Vậy bố mẹ nên làm gì? Trong cuộc sống hàng ngày, có 3 điều mà phụ huynh nhất định phải nhớ để có thể thúc đẩy được động lực của trẻ: Chú ý đến cảm xúc, thúc đẩy khả năng và phát triển sự tự chủ của trẻ.
Lấy ví dụ một câu chuyện đơn giản như thế này. Khi con gái tôi còn nhỏ, nó đã rất thích nghe kể chuyện. Từ lúc bắt đầu học nhận biết những chữ cái đầu tiên, con bé đã luôn thao thao bất tuyệt rằng khi nó biết đọc, nhất định nó sẽ tự cầm cuốn truyện lên để đọc cho bố mẹ nghe.
Có một lần đi nhà sách, con bé tình cờ thấy một vài cuốn truyện cổ tích rất đẹp và tỏ ra vô cùng thích thú. Con gái vỗ ngực tự tin nói với tôi: "Mẹ ơi con muốn mua cuốn truyện này. Con sẽ đọc cho mẹ nghe nhé!".
Sau khi về đến nhà, con gái tôi hào hứng ôm cuốn truyện vào phòng đọc. Nhưng chỉ sau 10 phút, con bé mếu máo chạy ra ngoài nói với tôi: "Con không đọc được. Con ghét cuốn truyện này. Mấy chữ này con không thể hiểu nổi".
Không có gì ngạc nhiên khi những cuốn sách trước kia mà con gái tôi đọc đều là sách tranh và rất ít chữ. Nếu có, cũng là do tôi đọc cho con nghe. Tôi bật cười và hỏi con bé: "Vậy con đọc được chữ nào trong trang này. Con đọc cho mẹ nghe được không?".
"Con chưa từng đọc những cuốn sách thế này. Nhưng con nhớ lại xem những cuốn truyện mà mẹ với con đã từng đọc, xem có chữ nào con biết và đọc cho mẹ nghe nhé. Chữ nào con không biết có thể hỏi mẹ. Hai mẹ con ta cùng đọc có được không?", tôi nói.
Sau đó con gái tôi đã nhiều lần chạy đến hỏi, dù tôi đang rất bận làm việc nhà nhưng chỉ cần con muốn biết, tôi nhất định sẽ giải đáp.
Đến buổi tối, tôi hỏi con hôm nay đọc sách thế nào. Con bé mặt tràn đầy hạnh phúc, tự hào nói: "Mẹ nằm xuống đây nào, để con kể cho mẹ nghe một câu chuyện trước khi ngủ nhé!".
Bằng cách này, từ việc đọc những cuốn sách tranh, con tôi bắt đầu chuyển sang đọc truyện chữ vô cùng hào hứng.
Khi trẻ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, trước tiên cha mẹ cần tin rằng trẻ có thể giải quyết vấn đề một cách độc lập. Sau đó, phụ huynh nên đánh giá xem khả năng của trẻ có thể đạt đến mức độ nào để giúp đỡ và hướng dẫn trẻ chia nhỏ nhiệm vụ, tìm được mục tiêu gần nhất với khả năng để trẻ hoàn thành.
Giống như con gái tôi, dù biết rằng đọc truyện chữ là rất khó đối với con nhưng tôi vẫn để con quyết định đọc cuốn sách đó. Khi con không thể đọc được những chữ trong cuốn sách, tôi đề nghị con đọc những chữ mà con biết trước để thỏa mãn ý thức về năng lực, cho con cảm giác con có thể làm được.
Khi con đến hỏi tôi về các từ mới, tôi cố gắng giúp đỡ con kịp thời, để con cảm nhận được con sẽ luôn có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ mẹ.
Đến cuối cùng, con gái tôi đã có thể đọc trọn vẹn cuốn sách theo tốc độ và cảm nhận của chính mình. Điều này đã thỏa mãn được cảm giác tự chủ của con, giúp con càng thêm hứng thú và tin tưởng vào khả năng của bản thân.
Có thể nói rằng, ý nghĩa thật sự của giáo dục không phải là ép buộc con vào khuôn khổ sắp đặt sẵn mà bố mẹ cần phải đánh thức được động lực nội tại của đứa trẻ. Có như vậy, một cách rất tự nhiên, động lực này sẽ thúc đẩy con trở thành một người xuất sắc.