Việt Nam tuy là nước đang phát triển nhưng nếu xét riêng về mặt công nghệ, chúng ta lại được tính một nước có tốc độ phát triển nhanh. Theo các ghi nhận, Việt Nam cũng thường xuyên nằm trong top 20 các nước có số lượng người sử dụng internet cao nhất trên thế giới. Cùng với sự đổ bộ của cuộc cách mạng 4.0, cách thức giao tiếp và kết nối cũng đã thay đổi hoàn toàn với email, chat, live trực tiếp... Giáo dục là một ngành rất quan trọng kết nối. Vậy ngành giáo dục hiện nay đang kết nối như thế nào?
"Lớp học cách đây khoảng 50 năm, thầy dạy trò chép. Cách đây khoảng 20 năm, thầy viết lên bảng, trò chép. Các lớp học bây giờ, thầy chiếu slide, và trò ở dưới cũng chép. Có nghĩa là chúng ta thấy rằng bản chất của giáo dục nếu như so sánh với các sự thay đổi khác thì thực ra đang đi chậm hơn so với các ngành khác". Ông Đinh Tuấn Long - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và học liệu trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ trong buổi tọa đàm về chủ đề giáo dục online cùng Bizfly Cloud.
Ông cũng khẳng định, giáo dục là ngành nghề đào tạo con người, cho nên giáo dục cũng bắt buộc phải thay đổi, cần cập nhật nhanh chóng các thay đổi mới và thích nghi với các thay đổi đó. Đối với các trường Đại học - nơi đào tạo con người để làm việc thì càng cần phải quan tâm hơn đến những thay đổi này, đặc biệt là về chương trình đào tạo, cách thức đào tạo.
Con người trong mô hình đào tạo mới cũng sẽ trở nên sáng tạo hơn, có khả năng thích nghi tốt hơn với những sự thay đổi của tương lai. Chính vì thế mô hình giáo dục cũng sẽ phải thay đổi để hướng tới người học nhiều hơn, thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang dẫn đường cho người học để họ tự tìm ra kiến thức cho bản thân.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì không dễ dàng một chút nào. Một trong những giải pháp được đánh giá cao nhất là ứng dụng công nghệ vào giáo dục với e-learning. Giáo dục trực tuyến vì vậy trở thành một xu thế của giáo dục đào tạo. Nhưng lý thuyết là vậy, còn thực tế thực hiện vẫn còn một khoảng rất xa để đạt tới mục tiêu.
Học online bùng nổ nhưng đã thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn?
Sự xuất hiện của đại dịch Covid trong năm 2020 có thể xem như một tai nạn toàn cầu và kéo dài đến tận bây giờ. Có lẽ từ lúc đại dịch bắt đầu, chúng ta đều không nghĩ tới điều này. Để việc học vẫn được tiếp tục diễn ra với ít sự gián đoạn nhất có thể, các trường học toàn cầu đã chuyển sang hình thức học online thông qua các công cụ như Team, Meet, Zoom… Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Tuấn Long, hiệu quả của việc học online đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Mặc dù không còn cách thức nào khác có thể áp dụng ngoài việc học online nhưng sau một thời gian triển khai trong thực tế, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng đã có những khó khăn xuất hiện. Kết nối không ổn định, rớt mạng giữa chừng, không thể truy cập được vào phòng học, không có nơi gửi bài lên để chấm bài, theo dõi tiến độ học tập… Đó là những tác động từ ngoại cảnh. Còn về phía nội tại, ngành giáo dục hiện nay đang mới dừng lại ở việc thay đổi môi trường từ học truyền thống sang e-learning, tức là đưa bài giảng lên các công cụ để giảng dạy. Còn về cách thức giảng dạy làm sao để thay đổi từ truyền thụ kiến thức thông thường sang "tự" tìm tòi, khám phá, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin, "tự" hình thành hiểu biết, tăng khả năng tương tác, tính chủ động,… là bài toán các trường đang cần tìm hướng giải.
Chính trong giai đoạn học online phổ biến như hiện nay, nhiều trường đã vừa tìm giải pháp để việc triển khai học online làm sao phát huy tối đa hiệu quả, vừa tận dụng thời điểm để có thể cải tiến chương trình giáo dục bắt kịp xu thế phát triển.
Mô hình học tập phát huy những thế mạnh của phương thức học trực tuyến
Có hai giải pháp đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là học trực tuyến đồng bộ về thời gian và không đồng bộ về thời gian. Với mô hình không đồng bộ về thời gian, các loại tài liệu, nội dung, học liệu điện tử sẽ được chuẩn bị trước, sau đó được đưa lên, sắp xếp và bố trí chỉ trên một hệ thống. Người học có thể vào học bất cứ lúc nào, chủ động về kế hoạch thời gian. Trên hệ thống học cũng có các công cụ để người dạy và người học tương tác với nhau như các diễn đàn, email, chat, gửi câu hỏi qua helpdesk…
Nếu như với mô hình thứ nhất hoàn toàn chú trọng vào người dạy, không có các tài nguyên, học liệu, hệ thống đi kèm thì khi so sánh với mô hình truyền thống, hiệu quả chỉ có thể đạt tương đương hoặc ít hơn. Còn với phương thức thứ hai có ưu điểm là tất cả nội dung hoàn toàn được chuẩn bị trước, người học sẽ tập trung hơn và có nhiều tư liệu để tự tìm tòi, khám phá; nhưng có nhược điểm là nếu người học tự học hoàn toàn thì khi gặp khó khăn sẽ không biết tìm ai để hỗ trợ, giải đáp. Như vậy là thiếu đi tính tương tác, giao tiếp.
Từ những thực tế đó, các chuyên gia đi đến kết luận rằng phương án phù hợp nhất là kết hợp cùng lúc cả hai phương thức trong cùng một nền tảng học gọi là hybrid learning - mô hình lai. Trong mô hình này gồm có bốn thành phần: các học liệu điện tử đầy đủ, có cấu trúc, sự tham gia của giảng viên, đội ngũ quản lý hỗ trợ, và cuối cùng là hệ thống công nghệ (LMS, EMS).
Đối với ba thành phần đầu, các trường thường có nguồn lực sẵn sàng để làm chủ mô hình. Tuy nhiên, về mặt công nghệ có một số khó khăn nhất định cần có phương án giải quyết để việc áp dụng mô hình học diễn ra thuận lợi.
Khắc phục trở ngại công nghệ để triển khai nền tảng học trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng
Cũng theo ông Đinh Tuấn Long chia sẻ, một vấn đề mà các nền tảng học trực tuyến thường xuyên phải đối mặt là việc có nhiều sinh viên, người học cùng tham gia vào học trong một số giờ nhất định. Cho dù là áp dụng nền tảng học nào thì cũng sẽ xảy ra việc người học phải tham gia học hay làm bài kiểm tra, làm bài thi... vào một giờ cụ thể. Do đó sẽ cần một hạ tầng đủ tốt, năng lực băng thông, năng lực tải đủ tốt để chạy phần mềm học tập trên đó. Nếu không thì chỉ cần vài trăm sinh viên cùng truy cập một lúc thôi cũng có thể gây quá tải hệ thống. Trong khi số lượng thực tế của một hệ thống đào tạo có thể là vài chục nghìn người học, cho dù có phân lớp thế nào thì số lượng học đồng thời vào cao điểm cũng có thể lên tới vài nghìn người.
Bên cạnh các lớp học online đồng thời, mô hình học này còn đóng vai trò như một thư viện học liệu với rất đa dạng các loại nội dung như là tài liệu online: nội dung media, video, text... , tài liệu offline: sách, giáo trình in, đĩa cd, dvd được tải lên. Một yếu tố nữa cũng gây áp lực lớn lên hệ thống là các chương trình trắc nghiệm, toàn bộ nhật ký hoạt động trắc nghiệm sẽ được ghi lại, tạo ra khối lượng bản ghi lên đến vài trăm triệu.
Hạ tầng công nghệ ở đây chính là hệ thống thiết bị máy tính, máy chủ/server vận hành các hệ thống này. Khi tính toán tất cả những yếu tố kể trên thì có thể ước lượng được năng lực tính toán cần phải có của hệ thống máy chủ. Có thể thấy là nhu cầu dành cho hệ thống hạ tầng là rất lớn dẫn đến các vấn đề về chi phí đầu tư mua thêm máy móc, vấn đề tính toán kỹ thuật, phải lên kế hoạch ngân sách trong khi cần triển khai nhanh chóng.
Hỗ trợ đồng hành cùng trường Đại học Mở Hà Nội, các giải pháp máy chủ Cloud, giải pháp hạ tầng, giải pháp đám mây đồng bộ của Bizfly Cloud đã giúp trường giảm bớt áp lực lên hệ thống hiện tại, áp lực về thời gian, ngân sách. Bizfly Cloud hiện nay cũng đã phát triển giải pháp tích hợp sẵn sàng hệ thống học online trên hạ tầng đám mây, cho phép triển khai một nền tảng học online toàn diện, đầy đủ chỉ sau một cú click. Độc giả quan tâm giải pháp có thể tìm hiểu thêm tại đây.