Không có người hướng dẫn, nữ sinh sinh năm 2001 ứng tuyển thành công học bổng trao đổi toàn phần tại Mỹ


Với mục tiêu rõ ràng và tự tin sử dụng tiếng Anh, Mỹ Trân thành công đạt được học bổng Global Ugrad, nữ sinh tự ứng tuyển hoàn toàn mà không có người hướng dẫn hay sửa bài luận.

Trương Mỹ Trân hiện là sinh viên năm ba ngành Kinh doanh Quốc tế của trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Vào học kỳ tiếp theo đầu năm 2022, nữ sinh sẽ đến Mỹ để học một kỳ trao đổi theo Chương trình học bổng Global UGRAD, tài trợ bởi Vụ Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Hành trình dự tuyển độc lập

Quá trình chuẩn bị hồ sơ, đặc biệt là làm bài luận, nữ sinh đều làm độc lập dù không quá khó để tìm người dẫn qua các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội. Cô nàng chia sẻ thẳng thắn là chưa từng nghĩ đến điều này. Mỹ Trân tin rằng nếu thể hiện với tất cả sự chân thành, chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng tốt.

Biết đến học bổng vào đầu năm 2021, cô nàng chỉ lưu lại chứ chưa thật sự để ý tới. Những ngày cận Tết Nguyên đán, Mỹ Trân bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ với ý định thử sức. Theo cô, quy trình ứng tuyển khá nhẹ nhàng so với những học bổng khác. Đặc biệt những câu hỏi trong bài luận rất phù hợp để Mỹ Trân nhìn nhận lại bản thân suốt chặng đường đại học vừa qua.

Ở bài luận đầu tiên, khi được hỏi vì sao ứng viên cho rằng mình phù hợp với học bổng, Mỹ Trân trình bày: “E nghĩ mình là ứng viên phù hợp vì em hiểu ý nghĩa của tố chất lãnh đạo, một tinh thần mà không phải chỉ người đứng đầu tập thể hoặc tổ chức mới cần biết đến. Cá nhân mỗi người cũng cần sự lãnh đạo bản thân trong đó.” Nữ sinh cũng đề cao và quan tâm đến hoạt động xã hội, một giá trị mà học bổng Global Ugrad hướng đến.

Riêng bài luận thứ hai, Mỹ Trân đúc kết từ những trải nghiệm mà mình có được ở đại học. Chủ yếu là quá trình tham gia hoạt động xã hội với tổ chức sinh viên AIESEC và trở thành chủ tịch cộng đồng cựu sinh viên tại trường cấp ba từng theo học - REUNION. Cũng từ hành trình này, Mỹ Trân nhận ra những giá trị về tinh thần lãnh đạo từ những người bạn, người anh chị mình làm việc cùng.

Nữ sinh mất khoảng 2 đến 3 ngày để hoàn thành hồ sơ. Đa số các thí sinh đều có người hướng dẫn và sửa bài luận sao cho phù hợp với yêu cầu của hội đồng nhất. Riêng Mỹ Trân đã tự mình lên ý tưởng và trau chuốt lại bài, sau đó xin thư giới thiệu từ hai người thân cận với cô trong quá trình học tập và làm việc.

Không có người hướng dẫn, nữ sinh sinh năm 2001 ứng tuyển thành công học bổng trao đổi toàn phần tại Mỹ - Ảnh 1.

 Trong cuộc phỏng vấn Học bổng Global Ugrad, hội đồng xét duyệt bày tỏ sự ngạc nhiên bởi cô là người duy nhất không dời lịch hẹn dù ngoài trời mưa to và ngập lụt. Mỹ Trân nói rằng mình không thích sự dời hẹn và quyết tâm hoàn thành phỏng vấn. Nữ sinh tự mình di chuyển bằng xe máy dưới trời mưa to đến Đại Sứ quán, cô nàng đã đến kịp lúc trong sự bất ngờ của hội đồng.

“Hầu như hội đồng không hỏi em nhiều về khả năng lãnh đạo nữa, họ chủ yếu khai thác những dự định tương lai của em và vì sao em chọn nước Mỹ", Mỹ Trân nhớ lại. Vốn đã nắm rõ thế mạnh và định hướng bản thân, nữ sinh tự tin chia sẻ về dự định sẽ học lên thạc sỹ và tiến sĩ sau này. Mỹ là đất nước tự do và sẽ giúp cô hiện thực hóa ước mơ này. “Em tin rằng bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được điều mình muốn nếu họ có đủ khao khát và niềm tin".

Cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra hơn 10 phút. Những người đến trước cô đều trải qua từ 30 đến 40 phút với hội đồng. Mạnh dạn bày tỏ thắc mắc, nữ sinh chỉ nhận được câu trả lời không quá cụ thể. Ra về với tâm trạng khó hiểu, tuy nhiên Mỹ Trân vẫn tự hào vì mình đã cho hội đồng xét duyệt thấy được sự tự tin và chân thành trong buổi phỏng vấn.

Dù mang tâm thế thử sức, nữ sinh luôn xác định rõ định hướng và mục tiêu của mình. Hiện tại, Mỹ Trân cảm thấy chưa thật sự sẵn sàng để du học dài hạn ở nước ngoài. Cô nàng không muốn đánh đổi 3-4 năm du học để rồi nhận ra mình không phù hợp. Với thời hạn một kỳ, Global Ugrad cung cấp cơ hội trải nghiệm trên đất Mỹ về học thuật lẫn văn hóa. Ứng viên được quy định số điểm GPA tối thiểu cần đạt được, song song đó là các hoạt động kết nối cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, kết quả của kỳ học không can thiệp vào bảng điểm tại Việt Nam. Nữ sinh cho rằng đây là một học bổng khá an toàn, trải nghiệm ngắn này vừa đủ để người tham dự đánh giá độ phù hợp của mình khi hòa nhập vào hành trình học tập ở đất nước khác.

Nhờ mục tiêu rõ ràng, khả năng nói tiếng Anh lưu loát và sự tự tin, Mỹ Trân đã trở thành 1 trong 5 người được trao học bổng Global Ugrad năm học 2021-2022. “Trước đây mình đã nghĩ về việc ứng tuyển học bổng rất nhiều lần, nhưng mình không làm, vì đó không phải do mình muốn vậy. Chỉ cho tới bây giờ, mình thấy vui, vì đó là điều mình muốn, mình quyết định làm, và mình tin mình đủ bản lĩnh vượt qua cũng như chịu trách nhiệm cho nó!” - qua lời chia sẻ về kết quả trên Facebook, Mỹ Trân thể hiện rõ phong thái tự tin và khả năng hiểu mình, có lẽ đây cũng chính là điều hội đồng nhìn nhận được ở cô nàng này.

Vượt qua nỗi sợ hãi để trưởng thành

Nhìn vào một Mỹ Trân năng động, hăng hái trong các hoạt động xã hội và luôn toát ra tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ, ít ai biết được rằng cô nàng từng sở hữu tính cách rất khác hiện tại.

Mỹ Trân là cựu học sinh chuyên Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành (tỉnh Trà Vinh). Từ những năm cấp 3, thành tích học tập của cô nàng đã nổi bật với những danh hiệu nhiều người ao ước như: Thủ khoa đầu vào của trường chuyên và thủ khoa đại học khối D của tỉnh (2019), thí sinh có tổng điểm các bài thi đại học cao nhất tỉnh, huy chương Vàng - cuộc thi Olympic 30/4 (2018), giải nhì - cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh (2017, 2018) và hàng loạt các học bổng cho sinh viên có thành tích tốt khi lên đại học.

Mỹ Trân trải lòng trong một bài đăng: “Mình từng quá sợ hãi để thế giới nhìn thấy mình. Mình ít khi đăng bài trên mạng xã hội, hầu như không để bất kì ảnh selfie nào trên trang cá nhân. Mình luôn im lặng và cúi đầu trong các buổi họp mặt, vì mình không muốn nói lên ý kiến, suy nghĩ cá nhân.” Ngày trước, cô nàng thường ngần ngại khi phải thể hiện suy nghĩ, chính kiến của bản thân và từng lo lắng trong quá trình mới bước chân vào đại học.

Tuy nhiên, Mỹ Trân quyết tâm không để nỗi sợ lấn át và ngăn cản bản thân khỏi những mục tiêu lớn lao. May mắn khi được chọn vào tổ chức sinh viên AIESEC ngay từ năm nhất, Mỹ Trân đồng hành cùng những người bạn chỉ ngang tuổi mình, nhưng luôn tràn đầy năng lượng và nghị lực. Dù phải vận hành tổ chức với khối lượng công việc khổng lồ và có phần quá sức với trình độ của những sinh viên 18,19 tuổi, họ đã truyền đi một niềm tin mãnh liệt rằng nếu chúng ta mạnh dạn thử sức và làm việc, không gì là không thể thành hiện thực.

Một năm tham gia cùng AIESEC không nhiều, Mỹ Trân cũng chưa có cơ hội trở thành trưởng nhóm, nhưng cô nàng đã trưởng thành về tư duy và phát triển bản thân theo hướng tích cực. “Ban đầu em cũng khá ngại khi làm việc cùng những bạn đã có kinh nghiệm sẵn, em nhận ra là nếu em không mạnh dạn hỏi và học tập từ các bạn thì em sẽ không tiến bộ hơn được” - Mỹ Trân bày tỏ.

Không có người hướng dẫn, nữ sinh sinh năm 2001 ứng tuyển thành công học bổng trao đổi toàn phần tại Mỹ - Ảnh 2.

Những điều học được từ AIESEC, Mỹ Trân đều áp dụng khi học tập trên lớp hoặc làm việc với các dự án khác. Đó là kinh nghiệm về lãnh đạo, tạo dựng mối quan hệ xã hội và khả năng định hướng bản thân.

Hiện tại, Mỹ Trân đang trong quá trình hoàn thành thủ tục đăng ký ngành học và trường trong kỳ trao đổi. Song song đó, cô nàng tham gia một số dự án và thực tập mảng điều hành, nghiên cứu cho một doanh nghiệp xã hội. “Em nghĩ rất khó để cân bằng tốt tất cả mọi việc trong cuộc sống, vì tính chất và nhu cầu công việc hoàn toàn khác nhau. Việc ôm đồm chắc chắn sẽ khiến bản thân bị “ngộp" nhưng nghĩ đến trách nhiệm và uy tín với những người đã giao việc cho mình, cảm giác này đã lấn át sự ngộp của em.”

Lịch học ở trường được đăng ký linh hoạt, cô nàng dành từ 2-3 ngày trong tuần cho việc học. Các ngày còn lại nữ sinh sắp xếp cho các dự án bên ngoài và công việc thực tập. Cô nàng chia sẻ nếu phân chia như vậy thì dần dần sẽ quen và sắp xếp được thời gian trống cho những công việc cá nhân.

Dự định của cô nàng sau kỳ trao đổi là hoàn thành chương trình đại học. Sau đó, Mỹ Trân sẽ tìm kiếm một công việc trong lĩnh vực kinh tế từ 1-2 năm trước khi chuẩn bị học tiếp lên cao học ở nước ngoài. Cô mong muốn sẽ học sâu hơn về kinh tế và tin rằng trải nghiệm du học sẽ cho mình những giá trị quý báu, từ đó hình thành nên những kỹ năng và chiều sâu để có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội