Đặt căn cứ ở nước ngoài: Trung Quốc lao đao vì rào cản, có thể bị "bạn bè" bỏ rơi lúc khó khăn


Những thách thức và rào cản hiện tại, nếu không được cân nhắc kỹ, có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho vị thế của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trong bối cảnh quân đội Trung Quốc (PLA) đang vươn vòi ra toàn cầu, họ sẽ ngày càng cần tới con đường tiếp cận đáng tin cậy đến các căn cứ ở nước ngoài và những cơ sở có thể đáp ứng 2 mục đích (dân sự-quân sự) nhằm duy trì hoạt động ở các chiến trường xa xôi.

Một số báo cáo tình báo và quốc phòng gần đây của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang thăm dò các địa điểm mà PLA có thể giành quyền tiếp cận và hỗ trợ hậu cần. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh "dường như đang cân nhắc" hơn mười quốc gia ứng viên có thể cho phép họ đặt "các cơ sở hậu cần quân sự".

Trong lúc Bắc Kinh cân nhắc các lựa chọn thì giới phân tích Trung Quốc bắt đầu để mắt tới những quốc gia chủ nhà này và mức độ thích hợp của họ đối với các tiêu chí tiếp cận và sử dụng của PLA.

Một bài phân tích của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation gần đây cho thấy giới quan sát Trung Quốc có cái nhìn khá thực tế đối với những thách thức và chi phí của việc thiết lập căn cứ và cơ sở quân sự ở nước ngoài.

"Chất lượng" của các nước chủ nhà quan trọng như thế nào?

Các chiến lược gia Trung Quốc nhận thấy rằng hiệu quả của các cơ sở hỗ trợ hậu cần nước ngoài phụ thuộc phần lớn vào mức độ ổn định chính trị, tình trạng kinh tế và mối quan hệ song phương của nước chủ nhà với Trung Quốc. Đánh giá của họ về căn cứ đầu tiên của PLA ở Djibouti đã cho thấy rõ điều đó.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng Djibouti nằm trong số những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Nước này thiếu nguồn lực tự nhiên và nguồn lao động được đào tạo bài bản, nền tảng nông nghiệp và công nghiệp của họ cũng còn yếu kém.

Do không thể có được các nguồn nguyên vật liệu địa phương, cơ sở hỗ trợ của PLA buộc phải nhập khẩu hàng hóa cơ bản, trong đó có một số mặt hàng đắt gấp 20 lần so với các mặt hàng tương đương tại Trung Quốc đại lục.

Các nhà bình luận Trung Quốc có quan điểm tương tự đối với Pakistan – nơi PLA đang đặt một trong những điểm hậu cần triển vọng ở Gwadar.

Đặt căn cứ ở nước ngoài: Trung Quốc lao đao vì rào cản, có thể bị bạn bè bỏ rơi lúc khó khăn - Ảnh 1.

Cảng Gwadar của Pakistan. Ảnh: Reuters

Theo một nhà bình luận, Pakistan đang phải hứng chịu sự bất ổn về chính trị, các mối đe dọa khủng bố, phong trào ly khai ở Balochistan, kinh tế kém phát triển, nền tảng công nghiệp yếu, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, cùng các trở ngại về văn hóa-xã hội [như từ chối tiếp nhận hiện đại hóa].

Cơ sở hỗ trợ và cơ sở hạ tầng của Gwadar vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc. Những vấn đề này sẽ cản trở sự hiện diện tiếp tục của PLA tại đó trong tương lai.

Một nghiên cứu so sánh Djibouti với Singapore [nơi Hải quân Mỹ được quyền tiếp cận và sử dụng căn cứ hải quân Changi] đã cung cấp manh mối về loại hình nước chủ nhà mà Trung Quốc tin rằng rất quan trọng đối với các kế hoạch toàn cầu của họ.

Theo tác giả nghiên cứu, trong khi Djibouti đã duy trì được sự ổn định chính trị tương đối từ cuối những năm 1990 nhưng những yếu kém về kinh tế của họ có thể sẽ gây trở ngại cho kế hoạch sắp đặt căn cứ của Trung Quốc ở đó.

Tác giả cũng bày tỏ một số lo ngại rằng, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi có thể gây ra các rào cản văn hóa với Trung Quốc, nhưng vẫn hy vọng hình ảnh tích cực của Bắc Kinh trên trường quốc tế có thể giúp sự hiện diện của PLA tại đây được chấp nhận rộng rãi.

Đặt căn cứ ở nước ngoài: Trung Quốc lao đao vì rào cản, có thể bị bạn bè bỏ rơi lúc khó khăn - Ảnh 2.

Lính hải quân Trung Quốc tại Trung tâm Hỗ trợ Djibouti. Ảnh: Xinhua

Tác giả thừa nhận Djibouti có thể không đủ khả năng để đóng góp trực tiếp vào việc phát triển các cơ sở hải quân của PLA. Thay vào đó, sự lớn mạnh về tài chính của Trung Quốc có thể giúp đẩy nhanh các khoản đầu tư vào cảng nước sâu tiềm năng của quốc gia châu Phi này.

Trong khi đó, Singapore có hệ thống chính trị ổn định, chính phủ hoạt động hiệu quả, nền kinh tế phát triển, là trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu, đồng thời là một xã hội đa văn hóa và Âu hóa.

Nói ngắn gọn, đảo quốc này hội tụ đủ các phẩm chất cần thiết để đóng vai trò như một quốc gia chủ nhà "mẫu mực". Mặc dù nghiên cứu trên không đưa ra những đánh giá so sánh chuyên sâu nhưng nó đã cho thấy những khác biệt sâu sắc giữa hai quốc gia chủ nhà [Djibouti và Singapore].

Một nghiên cứu khác về Diego Garcia [vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh – nơi đặt một cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ] cho thấy mối quan hệ đặc biệt của Mỹ với Anh đã mang lại giá trị độc nhất cho căn cứ của họ ở Ấn Độ Dương.

Mối quan hệ chặt chẽ này đã đảm bảo Mỹ có thể tiếp cận lâu dài và có môi trường hoạt động dễ chịu hơn nhiều tại đây. Chính vì thế, Washington thường xuyên triển khai các loại vũ khí nhạy cảm về mặt chính trị tới Diego Garcia, trong đó có tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân.

Năng lực hoạt động của cơ sở hỗ trợ ở Djibouti và các điểm tiếp cận tiềm năng khác đối với PLA còn xa mới sánh được với các căn cứ ở Changi và Diego Garcia dành cho quân đội Mỹ, đó là chưa kể tới các cơ sở tiền phương như căn cứ hải quân Yokosuka và căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản.

Bài học rút ra là: Đối tác chiến lược chất lượng cao là điều cần thiết để có được khả năng tiếp cận đáng tin cậy ở nước ngoài.

Đặt căn cứ ở nước ngoài: Trung Quốc lao đao vì rào cản, có thể bị bạn bè bỏ rơi lúc khó khăn - Ảnh 3.

Căn cứ hải quân Changi, Singapore. Ảnh: Reddit

Chi phí tiếp cận các quốc gia chủ nhà

Các bài phân tích của Trung Quốc về chủ đề này đã thể hiện nhận thức ngày càng tăng và sự cảnh giác đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp về chính trị, ngoại giao, tôn giáo liên quan tới việc sử dụng căn cứ ở nước ngoài.

Một nghiên cứu nhận định rằng, quản lý các căn cứ ở nước ngoài không chỉ đơn thuần là vấn đề của quân đội. Thay vào đó, nó còn bao gồm các vấn đề về chính trị, ngoại giao, văn hóa và tôn giáo. Do đó, các thỏa thuận cơ sở đòi hỏi Bắc Kinh phải áp dụng một tiến trình liên ngành thu hút sự tham gia của tất cả bộ máy nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật, an ninh-tình báo, chính quyền thành phố…

Ví dụ, Trung Quốc phải lường trước rằng các quốc gia chủ nhà sẽ yêu cầu: 1) Các thỏa thuận đảm bảo cơ sở pháp lý và quyền tài phán cho sự hiện diện của PLA. 2) Các biện pháp bảo vệ và đảm bảo an ninh cho cộng đồng dân cư ở địa phương. 3) Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, tiếng ồn, tội phạm. 4) Các biện pháp giải quyết hậu quả khi xảy ra tử vong và thương tật cho công dân địa phương.

Một tác giả nghiên cứu đã nêu ra 21 thỏa thuận và hiệp ước của Mỹ với các đối tác trên toàn cầu, mỗi hiệp ước lại phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương đang chi phối việc đặt căn cứ của Mỹ tại nước ngoài.

Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ cần khai thác nguồn lực ngoại giao đáng kể để có được mức độ tiếp cận tương đương như Mỹ.

Các học giả Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý hơn tới những tác động pháp lý của việc đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài. Họ cho rằng Bắc Kinh cần điều tra thêm về cơ sở pháp lý mà dựa theo đó, những tranh chấp về quyền tài phán và các vấn đề khác sẽ được giải quyết với quốc gia sở tại.

Theo những học giả này, các quyết định không được cân nhắc đầy đủ về chủ quyền và quyền lãnh thổ của quốc gia sở tại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho vị thế của Trung Quốc ở nước ngoài.

Kết luận

Theo Jamestown Foundation, các nguồn tài liệu mở được phân tích ở đây đã ngầm thừa nhận rằng, Bắc Kinh có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các đối tác chất lượng cao, đáng tin cậy để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới, có thể phát huy sức mạnh rộng khắp.

Ngoài sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của các quốc gia sở tại, mức độ khăng khít trong quan hệ của Bắc Kinh đối với các quốc gia đó sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hiện diện của PLA ở nước ngoài.

Những người bạn phù thịnh có thể sẽ rút lui vào thời điểm khó khăn, khi Bắc Kinh cần được tiếp cận các cơ sở của họ nhất.

Liệu Trung Quốc có thể biến các mối quan hệ mang tính giao dịch ở nước ngoài thành những mối quan hệ lâu bền, có thể chịu được áp lực của cuộc cạnh tranh quyền lực [hay thậm chí chiến tranh] hay không là điều không chắc chắn.

Bên cạnh đó, chất lượng thấp của các quốc gia chủ nhà và chi phí tiếp cận cao có thể sẽ làm hạn chế và phức tạp thêm tham vọng mở rộng sự hiện diện của PLA ra nước ngoài.

Bài liên quan

Cô giáo chủ nhiệm chia sẻ về cuộc sống bên trong khu cách ly trường Tiểu học Xuân Phương: 'Đón Tết trong này cũng không quá tệ, chỉ cầu mọi người bình an'

“Cơ sở vật chất tốt, đồ dùng dụng cụ đầy đủ, có các phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp nên việc đón Tết trong khu cách ly Covid-19 này không quá tệ. Chỉ cầu mong mọi người bình an là đủ rồi”, chị Vương Thị Hồng Lệ, Giáo viên chủ nhiệm lớp 3E (Trường ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội