Mỹ liệu có “xơ múi” gì từ vụ đánh cắp Pantsir-S1 của Nga?


Theo một chuyên trang Nga, người Mỹ sẽ chẳng “gặt hái” được gì từ mẫu vũ khí Pantsir-S1, một trong những hệ thống phòng không tầm thấp đầu tiên của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Đánh cắp, mua lại là những “ngón” vẫn được Mỹ, Nga và nhiều nước sử dụng để có được mẫu vũ khí tiên tiến của kẻ thù tiềm năng, nhằm nghiên cứu để tìm ra biện pháp khắc chế.

Pantsir-S1 - một trong những hệ thống phòng không tầm thấp đầu tiên của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh, hiệu quả đã được chứng minh trên nhiều chiến trường Trung Đông và Bắc Phi - Mỹ vừa có được. Tuy nhiên, theo một chuyên trang Nga, người Mỹ sẽ chẳng “gặt hái” được gì từ mẫu vũ khí đó.

“Món hời” vô giá?

Pantsir-S1 là một trong những hệ thống phòng không tầm thấp đầu tiên của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh, được Nga đưa vào phiên chế từ năm 2012.

Các tên lửa của Pantsir-S1 được cho là có tầm bắn tối đa khoảng 32km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên đến 15.000m tùy thuộc vào biến thể cũng như loại mục tiêu. Có tin, hệ thống này bao gồm các tên lửa đất đối không tầm ngắn 57E6, dẫn bắn bằng radar quang-điện với tầm bắn tối đa gần 18km.

Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị một đôi pháo tự động 30mm chỉ thị bắn bằng radar, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4km với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Toàn bộ hệ thống nằm trên khung gầm xe tải 8x8.

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir đảm trách nhiệm vụ phòng không cho các sở chỉ huy, đơn vị tiếp tế, căn cứ không quân và các địa điểm quan trọng khác trước các mối đe dọa bao gồm máy bay cánh cố định tầm thấp, trực thăng, máy bay không người lái, máy bay chiến thuật và thậm chí cả tên lửa hành trình…

Đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa điều khiển ưu việt nhất, được coi là “quái thú” của Nga. Pantsir đã được xuất khẩu rộng rãi, các lực lượng quân sự Nga vẫn sử dụng, khiến nó trở thành một hệ thống mà lực lượng Mỹ và NATO có thể phải đối mặt trong chiến tranh.

Tháng 6/2020, một vận tải cơ C-17 Globemaster III của Mỹ bí mật đến Sân bay Quốc tế Zuwarah, phía Tây Tripoli (Libya) “đón” một trong những hệ thống vũ khí phòng không hiện đại nhất Pantsir-S1 được cho là do các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mua từ Nga bị lực lượng thân chính phủ Libya (LNA) thu giữ, mang về Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Có tin, chiếc C-17A kia đã xuất phát từ căn cứ không quân Base Charleston ở South Carolina với điểm đến là Ramstein, đúng một ngày sau khi GNA kiểm soát được căn cứ Al Watiya. Máy bay sau đó có nhiều đợt cất hạ cánh qua lại Libya và trở về Charleston vào ngày 7/6/2020.

Hiện chưa biết chính xác Mỹ đã thu giữ được hệ thống Pantsir S-1 thuộc biến thể nào.

Vũ khí này có thể sẽ được đặt tại Căn cứ Không quân Wright Patterson, trụ sở của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Không quân Mỹ, nơi duy trì một trung tâm “khai thác vật liệu nước ngoài” với mục đích rõ ràng là nghiên cứu các hệ thống vũ khí nước ngoài bị thu giữ, bị đánh cắp hoặc mua lại.

Chuyên trang The Drive cho rằng, mục đích rõ ràng của hành động này là nhằm ngăn chặn hệ thống rơi vào tay bất kỳ nhóm chiến binh và khủng bố nào ở Libya.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ đây thực tế là một chiến dịch tình báo nhằm thu thập những thông số kỹ thuật quý giá của một hệ thống này, ví dụ công nghệ, chất liệu sử dụng trong Pantsir-S1 sẽ cho ra câu trả lời về sức mạnh nền công nghiệp quốc phòng Nga, vạch ra các chiến thuật, kĩ thuật, quy trình mới để hạn chế hiệu quả của hệ thống Pantsir-S1.

Hiểu biết về cách Pantsir chống các mục tiêu trên không sẽ giúp bảo vệ máy bay của Mỹ và đồng minh trong tương lai.

Liệu Mỹ có “xơ múi” gì từ vụ Pantsir-S1?

Lâu nay, quân đội Mỹ luôn nỗ lực sở hữu bằng được các hệ thống vũ khí đạt diện uy lực của nước ngoài, nhất là máy bay chiến đấu và các tổ hợp phòng thủ tên lửa, kể cả thông qua thị trường mở hoặc các biện pháp bí mật khác, nhằm phục vụ cho các mục đích thử nghiệm, huấn luyện, cải tiến.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ và CIA đã tổ chức đánh cắp các máy bay mới của Liên Xô như MiG-15, MiG-21…

Không quân Mỹ còn lập hẳn một phi đội tuyệt mật có tên gọi “Đại bàng Đỏ” (Red Eagles), được trang bị hoàn toàn bằng máy bay chiến đấu Nga, có được nhờ các chiến dịch đánh cắp, buôn lậu. Phi đội này chuyên thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm và huấn luyện không chiên.

Năm 1988, đặc nhiệm Mỹ đã lấy được một máy bay trực thăng Mi-25 Hind của Libya từ nước láng giềng Cộng hòa Chad.

Với vụ Pantsir-S1, liệu các bí mật và công nghệ quân sự của Nga có rơi vào tay Mỹ và các đồng minh của họ? Theo chuyên gia Sergey Marzhetsky trên chuyên trang topcor.ru, họ sẽ không thu được gì.

Thực tế là hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 ban đầu được tạo ra với sự hỗ trợ tài chính của các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Vào cuối những năm 90, các lãnh đạo Arab đã phân bổ 700 triệu USD cho doanh nghiệp quốc phòng Nga vốn đang chết dần vì thiếu nguồn vốn, chỉ dành cho công việc phát triển.

Theo đơn đặt hàng của UAE, 50 hệ thống đã được sản xuất và chuyển giao trên cơ sở khung gầm MAN-SX45 của Đức, trong khi quân đội Nga sử dụng nền tảng khung gầm KAMAZ và BAZ và các bánh xích từ MZKT (МЗКТ).

Tất nhiên, vũ khí Nga xuất khẩu phần nào được đơn giản hóa về tính năng. Nhưng sẽ cực kỳ ngây thơ nếu tin rằng UAE không cho đồng minh Mỹ của họ cơ hội nghiên cứu bên trong hệ thống phòng không Pantsir-S1.

Rơi vào tay người Mỹ mới đây là một phiên bản cũ của tổ hợp phòng không được chế tạo vào giữa những năm 2000. Tại Libya, Pantsir không hoạt động tốt trước các máy bay không người lái tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, và có một số lý giải cho điều này.

Đầu tiên, khi chúng được thiết kế, vẫn chưa có mối đe dọa trên không dạng như UAV tấn công cỡ nhỏ. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất vào năm 2019 đã đặt hàng hiện đại hóa hơn nữa hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 ở Nga.

Thứ hai, các chiến binh của phía Tướng Haftar đã không được chuẩn bị và huấn luyện một cách tốt nhất. Tóm lại, có thể nói các phiên bản xuất khẩu cũ của Pantsir sẽ không được Lầu Năm Góc quan tâm đặc biệt.

Kinh nghiệm của các hoạt động tác chiến tại Syria và Libya đã được tính đến trong quá trình hiện đại hóa Pantsir, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2021. Thiết bị radar mới, tên lửa phòng không mới sẽ được tích hợp, cơ số đạn của tổ hợp sẽ được tăng lên.

Hệ thống tên lửa phòng không sẽ được điều chỉnh để chống lại các máy bay không người lái tấn công cỡ nhỏ tốc độ cao. Vì vậy, một loại tên lửa phòng không có kích thước nhỏ và rẻ tiền hơn đang được phát triển.

Để chống lại các mục tiêu nghiêm trọng, "Pantsir" đã nhận được một tên lửa siêu thanh có khả năng đạt tốc độ trên Mach 5, một trong những thành viên phát triển hệ thống tên lửa phòng không - Valery Slugin - giải thích, tốc độ là cần thiết để nhanh chóng bay đến mục tiêu - điều này tăng lên tốc độ bắn của tổ hợp, vì kênh bắn được giải phóng nhanh hơn.

Ngoài ra, không cần thiết phải cho nhiều thuốc nổ vào đầu đạn của tên lửa để làm phân tán mảnh vỡ: tốc độ va đập càng cao thì hiệu quả bắn mảnh vỡ càng cao. Một tổ hợp phòng không cập nhật như vậy thực sự có thể đáng được các đối thủ cạnh tranh và đối thủ tiềm năng quan tâm.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội