Cần quyết liệt hơn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại


Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội có xu hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.

Lợi dụng dịch Covid-19 để buôn lậu

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 trên địa bàn thành phố diễn ra sáng ngày 27/1, Ban Chỉ đạo 389 Tp. Hà Nội cho biết, những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Nội dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát nhanh nên các đối tượng chuyển sang hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tập trung vào các nhóm mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế, dung dịch nước sát khuẩn... Lợi dụng tình hình dịch bệnh nên một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ giả, nước rửa tay sát khuẩn kém chất lượng; ngoài ra còn mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với mặt hàng phòng dịch và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời.

Đáng chú ý, lợi dụng thương mại điện tử đã phát triển với tốc độ nhanh, nhiều đối tượng đã lợi dụng để buôn bán hàng hóa trái phép. Lần theo những địa chỉ bán hàng trên mạng xã hội, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm, hàng hóa vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389/TP, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển vận chuyển bằng container từ Hải Phòng về các cảng cạn ICD Gia Thụy, ICD Mỹ Đình… Các đối tượng vi phạm với nhiều phương thức, thủ đoạn có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa. Ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, các đối tượng cũng chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn như: Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, trên tuyến đường bộ, hàng hoá được vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội từ đó được vận chuyển nhỏ lẻ vào thành phố qua hệ thống xe mô tô, xe chở khách, xe tải theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Ngoài ra, các đối tượng còn quay vòng hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa vận chuyển hàng nhập lậu.

Theo ông Cao Văn Lộc - Thượng tá, PC03 (Công an TP. Hà Nội), Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì… qua đó, Công an thành phố đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn.

Còn theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội, tại cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà…

Cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội - đánh giá cao những thành tích trong công tác đấu tranh chống buôn lậu của Ban Chỉ đạo 389 trong năm 2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội có xu hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Để tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh của toàn lực lượng chức năng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389/TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử...; thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nâng cao vị trí hàng Việt Nam cũng như vai trò doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế. Các cấp, các ngành hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo 389/TP đã trao tặng khen thưởng cho 60 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2020.

Nguyễn Hạnh

Bài liên quan

Triển vọng sáng cho xuất khẩu gạo sang Anh ngay từ đầu năm

Ngay từ đầu năm 2021 xuất khẩu gạo qua Anh đã đón tin vui khi 60 tấn gạo thơm của doanh nghiệp Việt bắt đầu xuất hiện và bán tại các siêu thị ở quốc gia này. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực từ lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và ...

Giỏ quà Tết thuần Việt lên ngôi thay hàng ngoại

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều thứ trong cuộc sống, trong đó có nhu cầu tiêu dùng. Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhu cầu của người tiêu dùng Sài Gòn là hướng đến mua sắm những mặt hàng đáp ứng nhu cầu thiết thực và ưu tiên cho sức khỏe trong ...

Việt Nam ủng hộ Nga tham gia sâu rộng vào hợp tác ASEAN

Tại cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN – Nga lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến diễn ra ngày 26/1, Việt Nam khẳng định sẵn sàng phối hợp với Nga và các nước ASEAN tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực và cùng có lợi giữa ASEAN và Nga, ...
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội