Về cơ chế hoạt động, có thể chia các website thành những loại sau:
Cách thức phân loại chỉ là tương đối, có những website thuộc cả vào nhiều loại. Sau đây Colombo xin mô tả chi tiết hơn "đặc điểm nhận dạng" từng loại như sau:
1. Web nội dung:
Là loại website phổ biến nhất quả đất. Cơ chế chung là quản trị viết nội dung (bài viết, bài hát, video clip, tin tức, v.v.) trong phần quản trị, website liệt kê nội dung ra cho người đọc xem. Cách liệt kê muôn hình vạn trạng, một số website cho phép người đọc có thể tương tác đơn giản bằng cách like, comment. Thường thì nội dung hay có một số thuộc tính rất chung như: tiêu đề, ảnh đại diện, tóm tắt, tác giả, ngày đăng, chuyên mục (đôi khi gọi là danh mục), từ khóa, nguồn lấy nội dung.
Ở Việt Nam, các web nội dung lớn nhất thường là web tin tức, ví dụ VNExpress, Dân Trí, ...
Điểm khác biệt cơ bản của web nội dung so với các loại web khác là người dùng (người đọc) thường không tham gia vào hoạt động của website (ngoại trừ like, comment), không tạo ra nội dung cho website, không chi tiền trên website.
Một số website nội dung cố gắng tạo thêm sự tương tác với người dùng thông qua tính năng đăng ký nhận tin thư, định kỳ gửi bài viết mới cho người đăng ký. Tuy nhiên thường thì các website ở Việt Nam không mấy chú ý tới công cụ này.
Có thể phân loại web nội dung thành các loại con như sau:
- Web tin tức
- Blog cá nhân
- Web nội dung giải trí: nghe nhạc, xem phim, đọc truyện, ...
- Web giới thiệu: Giới thiệu doanh nghiệp, cơ quan, trường học, đoàn thể, v.v.
- Web sự kiện: Chỉ giới thiệu duy nhất 1 sự kiện
2. Web CSDL:
Mặt tiền của web này cũng tương đối giống web nội dung, chủ yếu khác ở cơ chế vận hành mặt hậu (Backend). Việc tạo ra nội dung cho web dạng này có thể dùng robot tự động, kiểu import từ excel hay crawler từ nhiều nguồn về.
Về quy mô thì thường web CSDL có số lượng bài viết nhiều hơn (hàng chục tới hàng trăm triệu bản ghi), các bản ghi thường có nhiều thuộc tính chi tiết hơn, có bộ lọc, tìm kiếm tốt hơn. Ngoài việc sử dụng các hệ CSDL (đặc biệt là một số hệ CSDL dạng NoSQL) có hiệu năng cao hơn, thường kết hợp dùng thêm một CSDL tìm kiếm (kiểu Lucene Solr, Elastic Search, Sphinx, ...). Do số lượng bản ghi lớn nên thường phải có thêm 1 số công cụ hỗ trợ phân loại, biên tập nhiều bản ghi cùng lúc.
Web CSDL có thể phân loại nhỏ hơn thành:
- Web danh bạ: Danh bạ doanh nghiệp, danh bạ bác sĩ, danh bạ website, danh bạ sản phẩm, ...
- Web so sánh: So sánh giá sản phẩm, so sánh trường học, so sánh lãi suất, ...
- Web tài liệu: Tìm kiếm, download tài liệu, sách, truyện, ...
- Máy tìm kiếm (Search engine)
- Web CSDL chuyên ngành
3. Web thương mại:
Web thương mại cũng có thể coi là một loại web nội dung, ở Việt Nam một số web thương mại còn giống hệt web nội dung do không hề công khai giá, không cho đặt hàng trực tuyến, ...
Web thương mại khác web nội dung chủ yếu ở việc có thêm giao dịch thương mại điện tử. Giao dịch mua bán được thực hiện có thể hoàn toàn online hoặc kết hợp giữa online và offline, mục đích cuối cùng vẫn là bán được hàng.
Tùy theo lĩnh vực hoạt động mà có thể chia web thương mại làm nhiều loại: Du lịch, Bất động sản, Bán hàng, Đặt vé, v.v.
Loại nội dung chính của web thương mại là Sản phẩm, loại nội dung do người dùng tham gia tạo ra là Đơn hàng (không công khai). 2 loại phương thức hỗ trợ hay được áp dụng là Phương thức thanh toán, Phương thức vận chuyển, 2 loại người dùng chủ yếu là người bán và người mua.
Nếu có nhiều đơn vị cùng tham gia bán hàng thì web thương mại đó trở thành sàn giao dịch TMĐT. Nếu người mua có thể có hoa hồng khi giới thiệu cho người mua khác (hay còn gọi là cò) thì gọi là tiếp thị liên kết.
Nếu người bán có thể là cá nhân tham gia vào sàn thì gọi là sàn C2C, nếu người bán là doanh nghiệp thì gọi là B2C (hoặc BC2C), nếu người mua và người bán thường là doanh nghiệp, và giao dịch giá trị + số lượng lớn thì gọi là B2B.
4. Web cộng đồng:
Website được tạo ra để người dùng chủ động tạo ra nội dung công khai thì gọi là web cộng đồng, hay mạng xã hội. Tùy theo loại nội dung mà người dùng tạo ra có thể phân loại thành những loại nhỏ hơn:
- Mạng xã hội: Người dùng tự đăng bài viết, hồ sơ, tạo trang,... cho người khác xem.
- Diễn đàn: Người dùng đăng topic (chủ đề), reply (Bài trả lời)
- Web rao vặt:
- Web tuyển dụng: Người dùng tự đăng việc làm, hồ sơ tìm việc lên
- Web kết bạn: Người dùng tự đăng thông tin bản thân + nhu cầu kết bạn lên
- Web chia sẻ liên kết: Lưu trữ và chia sẻ các nội dung hay từ các website khác
- Web download: Người dùng upload, download chia sẻ file
VD khách hàng của VHV sử dụng loại website này: Diễn đàn nội bộ của SSI (diendan.ssi.com.vn),
5. Web dịch vụ:
Kiểu website được tạo ra nhằm mô hình hóa hoạt động nghiệp vụ của một tổ chức bằng công cụ trực tuyến. Ví dụ cung cấp các dịch vụ công của nhà nước, cung cấp dịch vụ đặc biệt của doanh nghiệp, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, tra cứu thông tin dịch vụ của khách hàng, cung cấp dịch vụ email, hosting, quảng cáo, v.v.
Các web loại này thường rất đặc thù, phải xây dựng dựa trên mô hình hoạt động offline hiện tại của tổ chức. Đối tượng khách hàng lại đa dạng và đông đảo, tính năng phức tạp nên thường chi phí khá lớn.
Ví dụ khách hàng của Colombo sử dụng loại website này: Viettel (phần mềm MyViettel), Hitek (Phần mềm đăng ký và tạo website tên miền tiếng Việt, ...)
Trong nhóm này có một phân nhánh quan trọng là Web giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục lên mạng. Web này cho phép giáo viên đăng tải bài giảng, đề thi trắc nghiệm lên web, cho phép tạo các lớp học ảo, các cuộc thi trực tuyến, cho phép học viên tra cứu bảng điểm, lịch học, ... Khách hàng trong nhóm web này của Colombo có các trường đại học như Học Viện Ngân Hàng, Trường Đại Học Tài Chính Ngân Hàng, ĐHQGHN, ...
Tổng kết cách phân loại:
Đặc điểm | Web nội dung | Web CSDL | Web thương mại | Web cộng đồng | Web dịch vụ |
Người dùng tạo nội dung | Có | ||||
Xử lý CSDL ở background | Có | Có | |||
Có giao dịch tài chính | Có | ||||
Mô phỏng nghiệp vụ offline | Có | Có | |||
Cung cấp nội dung | Có | Có | Có | Có | |
Tạo tài khoản | Có | Có | Có | ||
Tạo không gian riêng | Có | Có |
Rất mong nhận được ý kiến góp ý để hoàn thiện thêm bảng phân loại.