Thực tại phũ phàng: Trung Quốc quyết tâm từ bỏ than đá nhưng phải nhanh chóng "quay xe" vì nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế quá lớn


Nền kinh tế số 2 thế giới quá lớn và vẫn tăng trưởng nhanh đến mức về lý thuyết (chứ chưa nói đến các rào cản chính trị), các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần như không thể tiến nhanh hơn đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Tuần này, hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Glasgow (Anh) với sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới. Hiện đang là nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc tới tham dự với 1 chương trình nghị sự thể hiện rõ sự quyết tâm: lần đầu tiên trong lịch sử, nước này cam kết sẽ có những bước đi lớn để "quay lưng" với nhiên liệu hóa thạch, hướng đến mục tiêu đạt trạng thái lượng phát thải carbon dioxide bằng 0 trước năm 2060.

Hiện thực phũ phàng

Tuy nhiên chính Trung Quốc cũng thừa nhận trong thập kỷ tới, lượng phát thải carbon của nước này vẫn sẽ tiếp tục tăng lên, đạt đỉnh vào thời điểm nào đó trước năm 2030.

Các cam kết về khí hậu của Trung Quốc đang phải đối mặt với những hiện thực phũ phàng trên thực tế. Nền kinh tế số 2 thế giới quá lớn và vẫn tăng trưởng nhanh đến mức về lý thuyết (chứ chưa nói đến các rào cản chính trị), các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần như không thể tiến nhanh hơn đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Đầu năm nay Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm sử dụng than đá và kiểm soát lượng phát thải. Đến cuối tháng 8, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề khí hậu và năng lượng là Phó Thủ tướng Han Zheng đã tổ chức 1 cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo cấp tỉnh, ra chỉ thị hãy cắt giảm ngay các dự án ô nhiễm như các nhà máy than đá.

Nhưng chỉ 1 tháng sau, đối mặt với tình trạng thiếu than và thiếu điện trầm trọng, cũng chính ông Han lại nói với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước rằng mặc dù hạn chế các dự án gây ô nhiễm vẫn là điều quan trọng, giờ đây ưu tiên hàng đầu là phải có đủ than để các nhà máy điện vận hành. "Tăng nguồn cung than bằng bất cứ biện pháp nào cần thiết", tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận.

Than đá cung cấp năng lượng cho khoảng 56% các hoạt động kinh tế công nghiệp nặng ở Trung Quốc. Đó cũng chính là lý do vì sao nước này chiếm tới hơn 1/4 lượng phát thải carbon của toàn thế giới.

Thực tại phũ phàng: Trung Quốc quyết tâm từ bỏ than đá nhưng phải nhanh chóng quay xe vì nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế quá lớn - Ảnh 1.

Tổng lượng than đá tiêu thụ của toàn thế giới. Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương đã phê duyệt 24 dự án nhà máy than. Tổng công suất dự tính từ các nhà máy điện than vào khoảng 104 gigawatt – nhiều hơn cả Nhật Bản và Nga cộng lại (mặc dù không phải tất cả đều lên lưới và một số nhà máy cũ có thể bị đóng cửa).

Các nhà môi trường học và các nước khác muốn Trung Quốc hành động nhanh hơn. Để đạt được mục tiêu mà các nền kinh tế phát triển đã đề ra là trong thế kỷ này nhiệt độ trái đất chỉ tăng 1,5 độ C, đến năm 2030 tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu phải giảm xuống còn khoảng 25 tỷ mét tấn (năm 2019 con số là 52 tỷ). Riêng Trung Quốc hiện thải ra khoảng 14 tỷ mét tấn mỗi năm. Nếu con số này không thay đổi vào năm 2030, Trung Quốc vẫn sẽ chiếm hơn một nửa tổng lượng khí thải nhà kính mà toàn thế giới được phép thải ra.

Với tuyên bố vừa đưa ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lên kế hoạch giảm lượng phát thải carbon khoảng 10% mỗi năm trong 2 thập kỷ - tốc độ nhanh hơn so với tốc độ mà bất kỳ nước phát triển nào từng đạt được từ trước đến nay.

Trung Quốc cũng muốn đứng đầu thế giới về các công nghệ năng lượng mới như pin và năng lượng mặt trời, cho biết người dân sẵn sàng đối mặt với những vấn đề rộng hơn về môi trường.

Thói quen khó từ bỏ

Tuy nhiên, có 1 điều mâu thuẫn lớn; Trung Quốc ngày càng cần nhiều năng lượng hơn để đáp ứng các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của 1,4 tỷ dân.

Các nhà hoạt động vì môi trường tin rằng Bắc Kinh nghiêm túc về chuyện giảm lượng tiêu thụ than, nhưng trở ngại là các địa phương rất khó để từ bỏ thói quen. Khai thác than đá là ngành kinh tế chủ lực của một vài địa phương thuộc diện nghèo nhất nước, tạo ra hàng triệu việc làm. Một số chiến dịch giảm sử dụng than đá chỉ khiến các mỏ dịch chuyển sang nơi khác, cuối cùng tổng lượng phát thải vẫn không giảm.

Theo ước tính của UBS Group, nếu Bắc Kinh muốn đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 mà vẫn có đủ năng lượng thì sẽ phải đầu tư 2.000 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2060. Trung Quốc cũng không thể dễ dàng từ bỏ than đá vì không có đủ năng lượng thay thế để đảm bảo nguồn điện ổn định.

Theo UBS, để đạt được các mục tiêu mới về trung hòa carbon, Trung Quốc gần như sẽ phải "xây dựng lại toàn bộ cấu trúc nền kinh tế".

Thực tại phũ phàng: Trung Quốc quyết tâm từ bỏ than đá nhưng phải nhanh chóng quay xe vì nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế quá lớn - Ảnh 2.

Những tuần gần đây đã có nhiều ví dụ cho thấy than đá đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như thế nào. Cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ khiến nhiều nhà máy trên cả nước phải đóng cửa, thậm chí đe dọa cả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực ra các rắc rối đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay, khi nhu cầu về hàng hóa mà Trung Quốc xuất đi bùng nổ giữa lúc đại dịch càn quét thế giới, buộc các nhà máy của nước này phải tăng công suất. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ điện lại tăng vọt vào đúng lúc Trung Quốc thiếu nguồn cung than đá (một phần do nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường, phần khác do cấm nhập than từ Australia). Trong khi giá than tăng mạnh, các nhà máy điện vẫn phải tuân thủ mức giá trần do chính phủ quy định. Do đó họ giảm sản lượng để tránh lỗ và dẫn đến thiếu điện.

Trên mạng xã hội tràn ngập các câu chuyện người bị kẹt trong thang máy vì mất điện đột ngột hay những người công nhân gặp nguy hiểm khi hệ thống máy móc đột ngột dừng lại vì mất điện. Chính phủ bắt đầu lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội khi mùa đông đến gần.

Cuối cùng Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải nới lỏng cơ chế định giá điện để các nhà máy điện than có thể tăng giá bán và quay trở lại sản xuất.

Bịt chỗ này "thủng" chỗ kia

Có thể quan sát rõ những thách thức mà Trung Quốc gặp phải trên con đường tiến tới năng lượng sạch ở Sơn Đông, tỉnh có hơn 100 triệu dân nằm ở vùng duyên hải Đông Bắc.

Đây là tỉnh tiêu thụ than đá nhiều nhất cả nước. Than đá cung cấp 2/3 lượng năng lượng mà tỉnh này tiêu thụ, bao gồm cả những ngành như hóa chất, kim loại và chế tạo. Quan chức địa phương dự báo nhu cầu về điện của tỉnh sẽ tiếp tục tăng 4,4% mỗi năm trong những năm tới.

Khi chính quyền trung ương bắt đầu triển khai chiến dịch giảm ô nhiễm không khí năm 2013, Sơn Đông là một trong những tỉnh cuối cùng hành động. Theo 1 báo cáo từ cơ quan thanh tra môi trường, từ năm 2013 đến 2017 ở tỉnh này đã có tới 110 nhà máy điện được xây dựng trái phép. Những nhà máy như vậy chiếm hơn 1/4 số nhà máy điện than ở Sơn Đông. Thông thường là do chính các công ty công nghiệp tư nhân xây nên để đáp ứng nhu cầu điện của chính họ. Những nhà máy này không hòa vào lưới điện quốc gia nhưng sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn so với các nhà máy khác. Chúng được các quan chức địa phương ủng hộ vì thường thì các nhà máy sẽ bán lượng điện dư thừa cho người dân xung quanh với giá rẻ.

Gần 2/3 trong số nhà máy mà Bắc Kinh nêu tên được xây dựng bởi Weiqiao Pioneering Group, công ty mẹ của China Hongqiao, công ty nhôm tư nhân thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề, năm nay lần đầu tiên Sơn Đông cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm 10% lượng tiêu thụ than, đồng thời bổ sung mục tiêu về khí hậu vào các chỉ số kinh tế dùng để đánh giá năng lực của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh đang ráo riết đẩy mạnh điện gió và điện mặt trời, với kế hoạch tăng hơn gấp đôi công suất năng lượng tái tạo (lên khoảng 90 gigawatt).

Sơn Đông vẫn cần phải có nguồn điện ổn định đủ để sử dụng khi trời không nắng, không gió nhưng các điều hòa vẫn hoạt động hết công suất. Pin và các biện pháp tích trữ khác có thể giúp ích nhưng công nghệ vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Năm 2020, Trung Quốc chỉ có thêm 3,3 gigawatt năng lượng tích trữ so với 120 gigawatt năng lượng tái tạo.

Lãnh đạo tỉnh cho rằng điện than vẫn là nguồn điện ổn định nhất và muốn có đủ lượng dự phòng cần thiết. Sơn Đông cũng nằm trong số các địa phương phải chịu cảnh cắt điện phiền toái trong thời gian gần đây. Ở Zibo, thành phố nổi tiếng với ngành hóa dầu, mới đây có lúc các nhà máy phải ngừng sản xuất từ 7h30 sáng đến nửa đêm.

Vì thế Sơn Đông đang xây dựng 26 nhà máy điện than mới và đề xuất thêm 12 nhà máy nữa. Các nhà máy mới sẽ thay thế những nhà máy đã cũ kỹ và kém hiệu quả, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, ít ô nhiễm hơn.

Là một trong những công ty "bẩn" nhất và sử dụng nhiều năng lượng nhất của tỉnh, cách đây 2 năm Weiqiao đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Yunnan, tỉnh có 6 con sông lớn và do đó chủ yếu sử dụng thủy điện. Những năm gần đây Yunnan đã thu hút được rất nhiều công ty nhôm, đến nỗi được mệnh danh là "thung lũng nhôm" của Trung Quốc.

Tuy nhiên những công ty mới đến khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt và dẫn đến quá tải. Vì hạn hán, thay vì xuất đi khoảng hơn một nửa lượng điện, vừa qua Yunnan đã giảm lượng điện cung cấp cho tỉnh Quảng Đông. Điều này gây ra xáo trộn lớn vì tới gần 20% nhu cầu điện của Quảng Đông phải phụ thuộc vào Yunnan, trong khi nhu cầu điện của tỉnh này là rất lớn.

Tham khảo Wall Street Journal

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội