Mắc tiểu đường không muốn bị suy thận, chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên tắc ai cũng cần nhớ


Khi mắc bệnh tiểu đường, rất nhiều người cảm thấy lo lắng về ảnh hưởng của vấn đề sức khỏe này tới các cơ quan quan trọng như mắt, tim và thận.

Andrew Malone, bác sĩ kiêm chuyên gia về thận tại Trường Đại học y Washington ở Saint Louis, nhấn mạnh, tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận mãn tính ở Mỹ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 1/3 người trưởng thành bị tiểu đường gặp phải vấn đề về thận mãn tính và cứ sau 24 giờ, 170 người mắc vấn đề sức khỏe này phải bắt đầu điều trị suy thận .

Bác sĩ Andrew giải thích, tiểu đường khiến các mạch máu nhỏ trong cơ thể bị tổn thương theo thời gian. Khi ảnh hưởng thận, chúng sẽ cản trở cơ thể lọc máu, giữ lại nhiều nước, muối hơn mức bình thường và làm tích tụ chất độc. Điều này xảy ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường.

Mặc dù thông tin trên nghe có vẻ đáng sợ, theo Priyamvada Singh, bác sĩ chuyên khoa thận tại Trung tâm Y tế Wexner trực thuộc Đại học Bang Ohio, nếu bạn phát hiện sớm và điều trị tiểu đường, bệnh thận mãn tính có thể được kiểm soát.

Dưới đây là một số việc làm các chuyên gia khuyên những người mắc tiểu đường nên thực hiện để bảo vệ sức khỏe thận:

Kiểm soát đường huyết

Mắc tiểu đường không muốn bị suy thận, chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên tắc ai cũng cần nhớ - Ảnh 1.

Áp dụng một lối sống lành mạnh đồng thời kiểm soát tốt bệnh tiểu đường có thể duy trì sức khỏe thận và đảm bảo bộ phận quan trọng này hoạt động bình thường.

Mọi người nên bắt đầu bằng việc thực hiện A1C, một xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua. Khác với kiểm tra đường huyết có thể làm tại nhà, bạn cần thực hiện ở bệnh viện hoặc tại phòng bác sĩ. Mục tiêu của hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường là đưa mức A1C về dưới 7%.

Duy trì huyết áp ổn định

Mắc tiểu đường không muốn bị suy thận, chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên tắc ai cũng cần nhớ - Ảnh 2.

Nếu kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, bạn sẽ giảm được nguy cơ phát triển bệnh thận mãn tính hoặc bệnh ít có khả năng tiến triển sang các giai đoạn sau.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), những người mắc tiểu đường có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng cao huyết áp. Trên thực tế, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân thứ hai gây suy thận. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên, người mắc tiểu đường nên duy trì huyết áp ở mức dưới 140/90 hoặc 130/80 đối với trường hợp có nguy cơ cao.

May thay, dùng thuốc sẽ giúp kiểm soát huyết áp và hạn chế ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tới thận. Bác sĩ Priyamvada giải thích, thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) đã được chứng minh có khả năng làm chậm quá trình tổn thương thận ở những người mắc bệnh tiểu đường và sở hữu huyết áp cao.

Áp dụng một chế độ ăn lành mạnh

Mắc tiểu đường không muốn bị suy thận, chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên tắc ai cũng cần nhớ - Ảnh 3.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 30% những người mắc tiểu đường tuýp 1 và tới 40% những người mắc tiểu đường tuýp 2 có thể phải đối mặt với tình trạng suy thận.

Ann Perst, chuyên gia dinh dưỡng ở Chicago kiêm người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống Hoa Kỳ cho biết, nhiều người không biết đến tầm quan trọng của việc tuân thủ chế độ ăn ít natri. Nếu thận không có khả năng lọc được muối ra khỏi máu, tình trạng này sẽ dẫn đến tăng huyết áp và khiến bệnh thận mãn tính trở nên trầm trọng hơn.

Chuyên gia Ann khuyên, bạn nên tập trung vào những thực phẩm tươi sống, chưa qua chế biến. Nếu không thể tránh khỏi việc mua đồ ăn làm sẵn hoặc đóng hộp, bạn hãy lựa chọn loại chứa tối đa 5% lượng natri cơ thể cần hấp thụ hàng ngày. Sử dụng chất thay thế muối cũng là việc làm sai lầm vì chúng chứa nhiều kali, chất những người mắc bệnh thận mãn tính cần hạn chế.

Mọi người cũng nên theo dõi lượng kali, photpho và protein cơ thể hấp thụ sau bữa ăn. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế những đồ ăn tưởng chừng lành mạnh như thịt nạc, sữa, đậu, các loại hạt, bánh mì nguyên cám và một số loại trái cây như cam, cà chua. Cách tốt nhất là nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế một chế độ ăn vừa giúp bảo vệ sức khỏe vừa ngăn ngừa bệnh tật.

Dùng thuốc phù hợp

Theo bác sĩ Priyamvada, nhóm thuốc điều trị bệnh tiểu đường chứa chất ức chế SGLT2 có tác dụng kép, vừa giảm đường huyết vừa làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính ở những người mắc tiểu đường. Chúng bao gồm empagliflozin, canagliflozin và dapagliflozin.

Nhìn chung, bệnh thận hiếm khi biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu. Do đó, bác sĩ thường khuyên người bệnh kiểm tra albumin, một loại protein trong máu hàng năm. Dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe này bao gồm tăng cân, sưng mắt cá chân, thường xuyên muốn đi tiểu , đặc biệt vào ban đêm, tăng huyết áp và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh thận có thể tiến triển và gây ra một loạt triệu chứng suy thận như buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, mất năng lượng, ngứa, chuột rút, thiếu máu hoặc số lượng hồng cầu thấp và ít cần insulin do thận không có khả năng phân hủy.

(Nguồn: Health)

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội