Tại sự kiện Connect 2021 diễn ra vào sáng 29/10, Mark Zuckerberg đã tuyên bố chính thức đổi thương hiệu công ty mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook thành Meta và hướng đến một tương lai xây dựng “metaverse”. Thuật ngữ metaverse đề cập một môi trường kỹ thuật số nhập vai. Đây là nơi để con người tương tác với nhau giống như ngoài đời thực.
Theo trang The Atlantic, có 3 lý do chính khiến Mark Zuckerberg đổi tên mạng xã hội Facebook thành Meta bao gồm chiến lược truyền thông, cái tôi của nhà sáng lập và tham vọng mở ra lối đi mới.
Xóa vết nhơ trong quá khứ
Việc thay đổi thương hiệu có thể giúp ích phần nào giữa thời điểm Facebook đang đối mặt với loạt ồn ào, từ những cáo buộc, phản đối đến các phiên điều trần giữa Quốc hội Mỹ. Từ tài liệu nội bộ, công ty đã bị buộc tội là thao túng dữ liệu, cố tình giấu đi những kết quả báo cáo. Những điều này cho thấy các sản phẩm của Facebook có hại đối với người dùng bao gồm việc không thể ngăn chặn các nhóm kích động bạo lực, tạo môi trường để buôn bán mại dâm hoạt động hay chấn động nhất là nơi tổ chức vụ bạo loạn diễn ra ở Điện Capitol (Mỹ) hôm 6/1.
Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Facebook muốn chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi nền tảng đầy bê bối của mình sang một thứ gì đó hào nhoáng, hoành tráng hơn và tiềm năng hơn.
Mark Zuckerberg thông báo đổi tên Facebook thành Meta.
Nhiều người đã so sánh nỗ lực đổi thương hiệu của Facebook với động thái tái tổ chức vào năm 2015 của Google thành Alphabet. Tuy nhiên, nó có đôi chút khác biệt khi Google thời điểm đó tái cấu trúc là để cố gắng giải quyết các khiếu nại về chống độc quyền mà họ đã gặp phải.
Trong khi Facebook giờ đây không chỉ liên tục gặp phải những cáo buộc cổ vũ cho sự độc hại và phát tán thông tin sai lệch, mà quan trọng hơn cả, đây là nền tảng đang thống lĩnh thị trường mạng xã hội toàn cầu. Đây là nơi để mọi người cập nhật thông tin từ người thân, bạn bè hay các tin tức ngoài đời thực.
Bước đầu cho dự án tầm cỡ tỷ phú
Bước đầu với Meta, Mark cho thấy mong muốn phát triển vũ trụ ảo mang tên metaverse, một dự án tầm cỡ tỷ phú. Tham vọng trở thành một anh hùng trong vũ trụ ảo của Zuckerberg có thể được xem là giống với khát vọng du hành vũ trụ mà Jeff Bezos hay Elon Musk đang từng bước hướng tới.
Nhưng lý do quan trọng hơn cả là Facebook cùng với toàn bộ công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đang khao khát có một ý tưởng mới và hoành tráng.
Zuckerberg cùng tham vọng mang đến một tương lai hoàn toàn mới.
Đầu thập kỷ trước, ngôi sao đầu tư Marc Andreessen đã gây sóng gió khi dự đoán rằng phần mềm sẽ là tương lai của thế giới. Và tất nhiên, lời dự đoán của Andreessen đã đúng về một khía cạnh nào đó.
Song, có rất nhiều những định hướng sai lầm mà ngay từ đầu, nó cho thấy những tiềm năng mơ hồ và không rõ ràng. Đơn cử như các thành phố thông minh, một ý tưởng thất bại hoàn toàn. Hay giấc mơ về dữ liệu lớn vẫn còn là một khái niệm quá rộng và bao quát.
Tiên phong trong lĩnh vực mới
Hiện tại, nhiều người vẫn hoài nghi về những giá trị ảo, cụ thể như NFT hay thị trường tiền điện tử quá mập mờ và rất dễ bốc hơi. Vì thế Mark Zuckerberg phải nỗ lực rất nhiều để tạo lòng tin cho người sử dùng, cho họ cảm thấy an toàn khi hoạt động trong vũ trụ ảo.
Nếu thành công, metaverse sẽ trở thành xu hướng chủ đạo, kéo theo sự phát triển của một loạt phần cứng mới và các ứng dụng tạo ra lợi nhuận. Cùng với đó, mảng kinh doanh quảng cáo mà Facebook hiện nay đang hướng tới sẽ như một con diều gặp gió khi metaverse trở nên vững mạnh. Đây là lý do vì sao dù rất mơ hồ, hay các ý tưởng có khập khiễng ra sao, mọi người vẫn tiếp tục quan tâm đến metaverse.
Hiếm có một công ty nào đang thành công lại cố gắng tạo ra một tầm nhìn mới về những sản phẩm quá trừu tượng và mỏng manh như Facebook.
Tham khảo: The Atlantic