Ông Hiếu đặt câu hỏi, tại sao số lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển như mong muốn, thì trong giai đoạn 2016-2020, đã có nhiều nhà kinh doanh Việt Nam thành lập doanh nghiệp ở Singapore? Đáng chú ý, đa số các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
“Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, đây còn là sự chảy máu tài năng trong kinh doanh và khoa học công nghệ", đại biểu đoàn Nghệ An cho hay.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn
Theo ông Hiếu, trước hết, các quy định về thành lập doanh nghiệp ở nước ta chưa có sức thu hút lớn. Thứ hai, quan trọng hơn là môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo
Đây cũng là các vấn đề mà đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ trong kế hoạch cơ cấu lại, phải đặt cải cách thể chế là giải pháp đột phá.
Nhắc tới những điều cần lưu ý trong xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của Tổ chức OECD, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, các quy định pháp luật phải hướng đến việc nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông đề xuất ưu tiên sử dụng các phương pháp điều chỉnh thân thiện với sự phát triển của công nghệ, như coi trọng các công cụ điều chỉnh mang tính kinh tế, coi trọng các thỏa thuận hơn là đặt ra các tiêu chuẩn cứng nhắc.
Ông cũng nhắc đến yêu cầu về nghiên cứu ban hành các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Nội dung này đã được đề cập trong định hướng hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Con số đáng lo ngại: Tỷ trọng đóng góp của FDI
Cũng tại đây, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đề cập vấn đề liên quan đến tỷ trọng đóng góp của FDI so với khu vực tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế. 5 năm qua, xuất khẩu của FDI vẫn chiếm từ 70% trở lên khoảng 20% GDP trên 50% giá trị xuất khẩu công nghiệp.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương. Ảnh: Đ.X
"Cơ cấu thành phần kinh tế chưa có sự chuyển biến trong 5 năm qua. Như vậy, 5 năm tới với kế hoạch này liệu có thay đổi được cục diện, trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn hồi sức thì FDI không ngừng mở rộng giữa cơn bão đại dịch", đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết.
Ông Nhân nói thêm, trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đang có nhiều chương trình, đề án cần phải xây dựng, nhiều trong số đó nhắm vào cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, với nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.
"Đây cũng chính là nhóm nhiệm vụ, về phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, giải pháp thứ ba, trong 5 nhóm được đề xuất". Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ lo ngại khi thấy trong toàn bộ 130 chương trình, đề án thì có hơn 50 đề án phải trình trong năm nay.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề: "Giờ đã qua 10 tháng, thử hỏi có bao nhiêu đề án, chương trình đã được ban hành, với 2 tháng còn lại liệu có thể kịp tiến độ và chất lượng? Đồng thời, gần 80 đề án, chương trình còn lại sẽ thực hiện theo giai đoạn, có cái đến cả năm 2025 thì liệu có kịp thẩm thấu để nền kinh tế có thể được trợ lực hấp thu và chuyển biến".
Ngoài ra, ông Nhân đặt câu hỏi, với mục tiêu kinh tế số chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, thì việc xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng đến 2030 cũng trong Phụ lục 5 bao giờ được ban hành để kịp thực hiện theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối
Cũng tại đây, liên quan đến bài toán cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh: "Theo báo cáo của Chính phủ, nội dung này mới thực hiện đạt 30%, cho thấy việc này thực hiện rất khó khăn".
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau).
Song, chậm trễ này thể hiện nhiều vấn đề hơn là tốc độ thực thi. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Quốc hội Hà Nội) nêu rõ, đây là một trong những minh chứng cho thấy phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Cụ thể, vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận.
Bên cạnh đó, các mục tiêu không hoàn thành này đáng ra phải hoàn tất từ năm 2019. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Quốc hội Nam Định), đến nay chưa hoàn thành là đã quá muộn so với kế hoạch, dẫn đến không thể tập trung nguồn lực để triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Quốc hội tỉnh Hưng Yên) cũng đến tình trạng có những lĩnh vực xã hội làm tốt mà ta vẫn cố giữ, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không cạnh tranh được với tư nhân, chúng ta phải bỏ tiền ra để cứu như tình trạng một số doanh nghiệp hiện nay.
Đại biểu Đào Hồng Vận kết luận cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại và nâng cao sức mạnh những doanh nghiệp mang tính chủ đạo, định hướng của nền kinh tế.
"Còn những lĩnh vực khác mà xã hội đã và đang làm tốt, phù hợp với cơ chế thị trường thì để xã hội làm. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải có được sự quản lý chặt chẽ, phải được đánh giá, định giá một cách chính xác, phải được đấu giá một cách công khai, rộng rãi, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng làm thất thoát tài sản".