Đưa bưởi Núi Bé vươn xa
Những trái bưởi Diễn vàng ươm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Phùng Văn Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đang có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc; Cửa hàng hoa quả sạch, siêu thị lớn như Hapro… của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, những trái bưởi thơm ngon này sẽ có mặt trong mâm cơm của nhiều gia đình ngày Tết.
Hiện tại, gia đình anh Hà đang sở hữu 3 trang trại diện tích 7ha trồng hơn 1.600 gốc bưởi Diễn trên 10 năm tuổi. Trang trại của gia đình anh còn là mô hình điểm nằm trong vùng bưởi tập trung trồng trên 150ha của xã Nam Phương Tiến. Với doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, mô hình tạo việc làm cho nhiều lao động.
Anh Phùng Văn Hà với niềm vui được mùa bưởi Diễn |
Để có thành quả này, anh Hà chưa bao giờ quên những khó khăn của ngày đầu khởi nghiệp. Khi đó, anh vừa tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Lâm nghiệp. Không muốn xa gia đình, anh trăn trở tìm con đường lập nghiệp ngay trên quê hương.
“Cây bưởi Diễn có ở quê mình từ lâu nhưng lại chưa có ai khai thác. Cả cánh đồng trồng bưởi bị bỏ hoang, không ai chăm sóc khiến mình xót xa. Làm thế nào nâng cao năng suất, chất lượng loại quả này để mang lại kinh tế cao? Câu hỏi này thôi thúc mình đi tìm lời giải”, anh Hà chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Hà đã thuê của các hộ trong xã hơn 4ha để thực hiện ý tưởng. Năm 2015, anh mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật trong thâm canh bưởi Diễn, đặc biệt là thụ phấn chéo vào mô hình của gia đình.
Kết quả, trang trại bưởi Diễn của gia đình anh Hà cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng từ năm 2018 đạt 160.000 quả. Vườn bưởi của gia đình anh cũng được chọn là một trong 8 mô hình tham gia chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện năm 2017 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức. Kết quả, vườn bưởi của gia đình đoạt giải Ba. Đây là cơ hội giúp anh Hà giới thiệu, quảng bá sản phẩm bưởi Diễn để kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Hà tích cực phổ biến cho bà con trong xã và mạnh dạn thành lập Hợp tác xã bưởi Núi Bé. Bưởi của hợp tác xã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên mang đến sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm bưởi Núi Bé.
Đưa công nghệ cao vào sản xuất
Dám nghĩ dám làm cũng là bí quyết giúp chàng trai sinh năm 1992 Nguyễn Phúc Bách (thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, Ứng Hòa, Hà Nội) thành công với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao cho doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm. Dịp Tết này anh còn đưa ra thị trường nhiều sản phẩm rau, quả an toàn, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Bách (giữa) giới thiệu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao |
Với mong muốn nhanh chóng lập thân, lập nghiệp nên tốt nghiệp cấp 3, Bách quyết định đi lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, trước ngày lên đường anh gặp tai nạn giao thông nên dự định đành bỏ dở. Khoảng thời gian dưỡng thương giúp Bách có cơ hội nhìn nhận lại bản thân. Anh quyết định sinh ra từ đâu bắt đầu từ đó.
Năm 2014, Bách bắt đầu lập nghiệp với vốn liếng đầu tiên là một con bò cái sinh sản. Sau vài năm, đàn bò của Bách lên tới 15 con. Vùng đất bãi ven sông Đáy quê anh đất đai trù phú nhưng mùa lũ hay ngập. Không có chỗ chăn thả, đàn bò đói nên tăng trọng chậm. Vì thế, không dừng lại ở việc nuôi bò, Bách chuyển sang trồng rau nhưng không làm theo kiểu truyền thống.
Anh đầu tư xây bể nước giữa cánh đồng, lấy nước sạch để hòa phân bón hữu cơ vi sinh bón cho rau qua hệ thống tưới tiết kiệm. “Ban đầu mọi người chưa hiểu nên xì xào bàn tán. Mình thì cố gắng làm để chứng minh hướng đi là đúng”, Bách tâm sự.
Những lứa su hào, bắp cải tươi ngon được đông đảo khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, khi đó, Bách lại nghĩ, đầu tư cả một đống tiền mà chỉ để canh tác loại cây trồng phổ thông như vậy thì rất phí nên quyết định chuyển hướng.
Năm 2017, Bách đầu tư xây dựng và vận hành khu nhà màng rộng 2.300m2, với hệ thống tưới tiêu tự động. Anh tự mày mò học hỏi, tham khảo các mô hình cho hiệu quả cao và quyết định trồng dưa lưới giống Nhật.
Rút kinh nghiệm từ những lần gieo trồng trước, lần này Bách áp dụng kỹ thuật thụ phấn bằng tay. Vì thế, cây xanh tốt và ra trái lúc lỉu. Đến lúc quả dưa lưới đạt trọng lượng 1,5kg, gần ngày thu hoạch thì nước lũ sông Đáy dâng cao. Cả vùng đất bãi chìm trong biển nước.
“Cả vườn cây ngập nước trắng xóa khiến mình thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Đó cũng là lúc mình phải thanh toán các khoản nợ nên rất lo lắng”, Bách cho biết.
Lo lắng, tiếc nuối nhưng Bách không có ý định bỏ cuộc. Anh xắn tay lội bùn gạt đi rác rưởi, lắp lại hệ thống tưới nhỏ giọt và gia cố bờ bao bên ngoài để phòng lũ. Thành công bước đầu đã đến. Những quả dưa lưới được anh tiếp thị đưa vào các cửa hàng hoa quả trên thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, người ta chê dưa của vị nhạt và xấu mã nên khó bán.
Bách nhận ra, kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa của anh có vấn đề nên lại “khăn gói” lên đường đi học hỏi. Anh cũng tìm đến các nhà khoa học để được hỗ trợ. Quá trình đầu tư trồng dưa lưới, Bách không ngừng mày mò để tìm cách tối ưu hóa đinh dưỡng cho cây trồng.
“Mỗi ngày mình cho cây “ăn” 3 lần. Khẩu phần ăn hôm sau phải thay đổi so với hôm trước theo nhu cầu phát triển của cây và tránh lãng phí dưỡng chất. Do đó, quả dưa lưới mình trồng có mùi vị rất khác biệt so với các nhà vườn khác”, Bách chia sẻ.
Sự khác biệt cũng tạo nên thành công cho Bách khi sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.
Vườn lan tiền tỷ, bung nở đón Xuân
Với tổng số gần 80 nghìn chậu lan Hồ Điệp hứa hẹn bung ra thị trường dịp Tết năm nay sẽ mang lại cho anh Ngô Minh Trưởng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) thu nhập khả quan và lợi nhuận kinh tế cao.
Những cây lan Hồ Điệp đang đua sắc được anh Ngô Minh Trưởng đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng dịp Tết |
Lan Hồ Điệp thường được tiêu thụ vào dịp Tết nên ngay từ những ngày đầu anh Trưởng cùng công nhân phải chăm sóc và điều chỉnh sao cho hoa nở đúng thời điểm. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, anh Trưởng đã mạnh dạn đầu tư hơn 6 tỷ đồng để cải tạo, san lấp đất và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, áp dụng công nghệ cao… để trồng lan Hồ Điệp.
Nhờ hệ thống nhà màng, nhà lưới, thiết bị làm mát được đầu tư đồng bộ, không gian bên trong vườn lan luôn mát mẻ dù bên ngoài thời tiết nắng nóng hay giá rét. Quy trình chăm sóc khép kín, từ nhiệt độ đến ánh sáng được thực hiện tỉ mỉ, bảo đảm điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt nhất cho hoa.
Theo anh Trưởng, lan Hồ Điệp là loại hoa cao cấp, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Hiện, sản phẩm có sức tiêu thụ lớn. Mặc dù mới đầu tư nhưng riêng trong năm 2019, anh đã xuất bán ra thị trường hàng vạn gốc phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân khắp các tỉnh, thành, thu về trên 3,6 tỷ đồng. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho khoảng 24 lao động.
Xuất thân là “dân thương mại” nhưng anh Trưởng lại dành tình yêu đặc biệt cho nông nghiệp và lan Hồ Điệp. Những ngày đầu mới tốt nghiệp đại học, anh làm việc trong lĩnh vực thương mại nên có hội biết đến cây lan.
“Quá trình làm việc mình nhận thấy cứ đến dịp Tết chúng ta lại phải nhập rất nhiều hoa lan từ Trung Quốc để phục vụ người tiêu dùng. Trong khi đó, điều kiện ở Việt Nam hoàn toàn có thể trồng được hoa lan số lượng lớn, giá thành rẻ nhưng chất lượng. Hoa cũng giữ được vẻ đẹp và tươi lâu hơn”, anh Trưởng nhớ lại.
Suy nghĩ đó khiến anh Trưởng trăn trở và có quyết định khiến nhiều người bất ngờ, đó là bỏ việc về làm nông nghiệp. Thời gian đầu anh làm thuê cho một cơ sở trồng lan tại Đan Phượng (Hà Nội). Khi đã tích lũy được kinh nghiệm anh quyết định ra làm riêng.
Năm 2019, anh Trưởng mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) xây dựng mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao. Để phát triển mô hình này anh phải học hỏi công nghệ từ Đài Loan (Trung Quốc), trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm.
Dù gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm anh đã xây dựng mô hình thành công. Qua so sánh, hoa lan được trồng tại mô hình của anh có chất lượng tương đương loại trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Điểm thuận tiện là khi thu hoạch ở Thanh Oai, chở ra nội đô chỉ mất 2 giờ xe chạy nên hoa lan rất tươi, không bị dập nát, có sức cạnh tranh cao.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên đã và đang góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của những làng quê ngoại thành Hà Nội, nhất là dịp Tết đến, xuân về.