Xây dựng nền tư pháp phục vụ Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị


TTTĐ - Thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đã được đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn; Đề cao sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong hoạt động tư pháp và tạo điều kiện để họ thực hiện và thụ hưởng đầy đủ các quyền trong tố tụng.
Bộ Tư pháp: Thể hiện vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” quan trọng của đất nước Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang tham luận tại Đại hội
Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang tham luận tại Đại hội

Sáng 27/1, tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) cho biết: Trải qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã tổng kết và xác định: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, góp phần hiện thực hoá Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên thực tế là nội dung quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Nhìn lại 15 năm gần đây, các Tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Điển hình như năm 2020 Tòa án các cấp thụ lý 602.000 vụ việc các loại, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Tòa án các cấp đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; Hàng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý.

“Có được thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của toàn hệ thống Tòa án, còn phải kể đến yếu tố quan trọng đó là kết quả của thực hiện cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án”, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết.

Theo đó, quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời ý thức được rằng “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”; Thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đã được đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn. Hệ thống pháp luật về tố tụng và tổ chức Tòa án đã được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; Cơ chế hòa giải, đối thoại các tranh chấp được tăng cường và triển khai hiệu quả.

Các thủ tục hành chính - tư pháp được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân; Quy trình xử lý các yêu cầu của người dân được hiệu chỉnh theo cơ chế một cửa, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; Đề cao sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong hoạt động tư pháp và tạo điều kiện để họ thực hiện và thụ hưởng đầy đủ các quyền trong tố tụng.

Các cơ chế kỹ thuật, pháp lý để tiếp cận công lý của người dân được đa dạng hóa; Các phán quyết của Tòa án được công khai, đảm bảo tính nghiêm minh về pháp luật và định hướng hành vi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được quan tâm, góp phần thúc đẩy nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp phục vụ nhân dân như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.

Nêu ra một số tồn tại, hạn chế, đồng chí Lê Hồng Quang cho rằng: Cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược cải cách tư pháp mới trong giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045 làm cơ sở về chính trị, quyết tâm đổi mới của Đảng trong lĩnh vực tư pháp.

Từ đó, ngành Tòa án đề xuất một số quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020 như: Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp; Cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo, là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ, giữ vững, phát huy thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua;

Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động; Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp; Phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp; Tận dụng những lợi thế của công nghệ, hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, công khai, minh bạch hoạt động tư pháp; Tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; Giảm bớt thủ tục và chi phí xã hội không cần thiết…

Cùng với đó, đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; Xác định đây là thiết chế độc lập; Đồng thời, có cơ sở pháp lý cần thiết để đảm bảo độc lập tư pháp; Tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý mới, tiến bộ của thế giới để kịp thời tháo gỡ những bất cập của hệ thống pháp luật và nền tư pháp hiện nay…

Thường Duy
Link bài gốc Copy link
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội