Không phải cứ người Hà Nội đi về các địa phương là phải cách ly y tế
Trước nguy cơ lây lan nhanh của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố, như: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, An Giang yêu cầu người đến từ các vùng dịch phải khai báo y tế, cách ly tập trung, kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, căn cứ vào tình hình dịch, hiện chưa cấm việc người dân Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi, điều đó đồng nghĩa với việc không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải cách ly y tế 21 ngày.
Người dân khi về quê ăn Tết cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như không đến chỗ không cần thiết, tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn... Sau khi ăn Tết xong, người dân từ các địa phương quay trở lại Hà Nội (nếu không vào các vùng có dịch) sẽ không phải cách ly y tế. Tuy nhiên, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Cháy nhà do đốt vàng mã, 4 sinh viên tử vong
Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ cháy phòng trọ trên địa bàn phường Khương Thượng làm 4 sinh viên tử vong.
Theo thông tin ban đầu, sáng 4/2, bốn sinh viên gồm: Lê Bật Thắng (sinh năm 1997, ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh viên Đại học Thủy lợi năm thứ tư), Giáp Văn Nam (sinh năm 1997 ở Bắc Giang, sinh viên năm thứ tư Đại học Thủy lợi), Trần Duy Hưng (sinh năm 1997, quê ở tỉnh Nam Định, sinh viên năm thứ ba Đại học Thủy lợi) và Lê Khắc Sơn (sinh năm 1997, ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tổ chức cúng ông Công, ông Táo và mời bạn là Lê Bật Đức (sinh năm 1993, quê ở xã Tân Minh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là anh ruột của anh Lê Bật Thắng) đến ăn cùng. Khoảng 12h cúng xong, các sinh viên cùng nhau hóa vàng.
Khi tiền vàng không còn cháy, tất cả đi vào nhà ăn cơm nhưng không đổ nước cũng như bỏ tro đi. Ăn xong, anh Đức ngủ tại tầng 1 còn Nam, Hưng, Thắng ngủ trên gác xép. Sau đó, anh Sơn đi ra đầu ngõ 123, phố Khương Thượng uống trà đá. Trước khi đi, anh Sơn khóa cổng sắt lại.
Lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận hiện trường |
Khoảng 15 phút sau, anh Sơn đi về, phát hiện khói bốc ra từ phòng trọ và 3 xe máy đang dựng trong sân bị cháy. Theo thông tin ban đầu, vụ cháy đã làm các anh Nam, Hưng, Thắng và Đức tử vong do ngạt khói, khí độc.
Cho phép 4 địa phương sử dụng kinh phí cải cách tiền lương còn dư đầu tư dự án
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép 4 địa phương được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư năm 2020 để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, các dự án gồm: Thành phố Hà Nội 5.000 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh 2.950 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 3.180 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương 4.000 tỷ đồng.
Nguồn cải cách tiền lương còn lại, các địa phương dành để thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo cam kết và theo chế độ quy định.
Đối với các địa phương khác (không có văn bản đề nghị hoặc không có nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển), địa phương dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển.
Việc quản lý, sử dụng số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư công và các quy định có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn nêu trên tại địa phương.