Tin tức trong ngày 21/2: Gần 1,1 triệu người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020


TTTĐ - Tin tức trong ngày hôm nay (21/2) có những tin nóng 24h đáng chú ý sau: Gần 1,1 triệu người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020; Hà Nội phát triển mới 30 - 40 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; Đăng sai tin "qua chốt kiểm dịch phải nộp tiền", một phụ nữ bị phạt 7,5 triệu đồng.

Gần 1,1 triệu người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019. Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng, tương ứng với mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp nào có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền, người lao động sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… Tuy nhiên, số người lựa chọn học nghề chỉ chiếm khoảng 1% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; Xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động...

Hà Nội phát triển mới 30 - 40 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP

Theo kế hoạch số 42/KH-UBND, trong năm 2021, TP Hà Nội phấn đấu phát triển mới 30 - 40 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội ban hành kèm theo 7 nhiệm vụ. Thời gian tới, sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định. Công bố các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP đạt tiêu chí theo quy định. Cùng với đó, tuyên truyền thông tin chương trình lễ khai trương và phát triển hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc vận hành duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã khai trương năm 2020 và các điểm khai trương năm 2021
UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc vận hành duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã khai trương năm 2020 và các điểm khai trương năm 2021

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc vận hành duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã khai trương năm 2020 và các điểm khai trương năm 2021; Tổ chức các chương trình liên kết thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên tại Hà Nội; Kết nối các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội với các tỉnh, TP để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước…

Thông qua các nhiệm vụ trên, Hà Nội mong muốn thúc đẩy sản xuất các sản phẩm làng nghề. Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của Thủ đô và các tỉnh, TP trong cả nước...

Đăng tin "qua chốt kiểm dịch phải nộp tiền", một phụ nữ bị phạt 7,5 triệu đồng

Khi đi qua chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chị N.T.H (sinh năm 1983, trú tại Lai Cách, Cẩm Giàng) được yêu cầu khai báo y tế theo quy định. Khi kiểm tra thông tin, phát hiện chị H chưa đăng ký tạm vắng tạm trú và một số khoản lệ phí như phí vệ sinh công cộng, đại diện lực lượng chức năng và tổ dân phố đã yêu cầu chị H phải thực hiện theo đúng quy định.

Sau đó, chị H đã đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội là phải nộp tiền để qua chốt kiểm dịch. Lực lượng chức năng đã xử phạt chị H số tiền 7,5 triệu đồng do có hành vi đăng thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng huyện Cẩm Giàng còn xử phạt 25 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch trên địa bàn như: ra ngoài đường khi không có việc cần thiết, tụ tập ăn uống… với số tiền trên 40 triệu đồng.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội