Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm GRDP đạt 11% trở lên |
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm GRDP đạt 11% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 9,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên; đến năm 2025, GRDP/người đạt 5.200 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; 17 đơn vị cấp huyện, 88% số xã đạt nông thôn mới, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Để đạt mục tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng; phát triển mạnh các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển và ven biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững;...
Trong đó, tỉnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.
Thanh Hóa phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm |
Thanh Hóa sẽ cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp công nghiệp theo hướng tăng khả năng kết nối, tiếp cận thông tin, dữ liệu, sản xuất những sản phẩm mà xã hội cần nhằm tăng cơ hội kinh doanh mới và tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Tỉnh ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để đạt hiệu quả cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao;..
Thanh Hóa phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển bền vững vùng miền núi, là vùng có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái; an ninh nguồn nước; quốc phòng, an ninh và đại đoàn kết các dân tộc; 2- Phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và trung du, là vùng đóng vai trò trung tâm với 3 cực tăng trưởng là thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và thị trấn Lam Sơn; 3- Phát triển đột phá và bền vững vùng ven biển và hải đảo với 2 cực tăng trưởng là thị xã Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn.