Thành công của Đại hội truyền cảm hứng, quyết tâm đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới


TTTĐ - Sáng 1/2, ngay sau khi kết thúc phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế về kết quả Đại hội.

Tham dự họp báo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII Lê Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng…

Đại biểu tham dự buổi họp báo
Đại biểu tham dự buổi họp báo

Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp

Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, rút ngắn gần 2 ngày so với dự kiến. Đại hội thành công trên cả 3 mặt văn kiện, nhân sự và tổ chức phục vụ.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước điểm ấn tượng của Đại hội kỳ này là không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi, phấn khởi, mừng vui vì đất nước phát triển, vì Đại hội thành công. Điều đó thể hiện rõ từ việc bàn và thông qua văn kiện, nhân sự Đại hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, làm từ 2018 đến nay, chưa bao giờ như lần này, công tác chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm từng việc từ dễ đến khó, có lớp lang chu đáo, cẩn thận. Vì thế, khi trình ra, Đại hội thống nhất rất nhanh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thành công của Đại hội đã truyền cảm hứng, quyết tâm, ý chí, bản lĩnh để đưa đất nước phát triển ở một tầm cao mới; Hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quan trọng hơn là sắp tới phải đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống như thế nào, bởi vừa qua, khâu triển khai Nghị quyết vẫn là khâu yếu, tới đây cần lưu ý. Nghị quyết chỉ được coi là thành công khi đi vào cuộc sống.

Chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ

Tại cuộc họp báo, đại diện các phóng viên của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác văn kiện Đại hội, công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi họp báo

Trả lời các câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, sẽ còn tiếp tục nói nhiều, bàn nhiều, bàn tiếp về công tác phòng, chống tham nhũng, bởi đây là “bệnh” của người có quyền, có chức nên rất dễ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Được phát động từ năm 2013 khi Tổng Bí thư được mời làm Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai thực hiện quyết liệt, không ngừng nghỉ, xử lý nghiêm nhiều cán bộ cấp cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tài sản bị tịch thu rất lớn.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta chống tham nhũng, xử lý cán bộ tham ô không phải là thù oán gì ai, mà làm theo hướng nhân văn, nhân đạo, "cưa cành cây mọt sâu", xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo răn đe sai phạm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Cho nên, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, quyết liệt; Còn tiền, chức, quyền, nếu không giữ gìn, tham nhũng còn xảy ra.

Xử lý các nguy cơ, thách thức một cách đồng bộ, bài bản

Trả lời các cơ quan báo chí về những thành công nổi bật của công tác văn kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Văn kiện Đại hội đã khẳng định những dấu ấn nổi bật về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.

Văn kiện cũng đã nhấn mạnh sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, đổi mới của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Trong đó, các văn kiện đã nhấn mạnh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Qua đó, Văn kiện đã khẳng định tầm nhìn khái quát, đánh giá kết quả mà đất nước ta đã đạt được sau 35 năm đổi mới. Đây là những kết quả to lớn, mang tính lịch sử để nhìn nhận cơ đồ to lớn, chưa từng có của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.

Liên quan đến câu hỏi về những thách thức của đất nước ta trong giai đoạn tới đã được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, các thách thức đã nêu trong văn kiện đều có nguy cơ như nhau. Vì vậy, việc xử lý, giải quyết các nguy cơ phải đồng bộ, bài bản để đưa ra những giải pháp tích cực. Đơn cử như công tác phòng, chống tham nhũng, nếu làm tốt thì chúng ta sẽ có khả năng ngăn chặn “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Làm rõ thêm về các nguy cơ đã chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, với cả 4 nguy cơ đã nêu, chúng ta đều phải thận trọng, không thể chủ quan, xem thường bất cứ nguy cơ nào.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng tin tưởng, nếu chúng ta đoàn kết, vững vàng và dựa vào trí tuệ cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thì không có thế lực nào có thể ngăn cản được sự phát triển của đất nước ta.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội