Sóc Trăng: Hướng đột phá vào công nghiệp


TTTĐ - Đầu năm, khi mọi người đều bộn bề công việc, nhất là đối với lãnh đạo cấp tỉnh thì người viết may mắn được gặp gỡ và nghe tân Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trải lòng về những tâm tư cũng như kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và 5 năm trong nhiệm kỳ.

Mở đầu câu chuyện, tân Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ những trăn trở của mình về tương lai của nền kinh tế. Theo ông, kinh tế Sóc Trăng trước giờ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, với 2 thế mạnh là trồng lúa và thủy sản, còn nói về công nghiệp thì gần như Sóc Trăng chưa có gì đáng kể.

Mặc dù nông nghiệp vẫn đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng nhưng không thể dựa mãi vào nông nghiệp để làm giàu, mà cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ nền kinh tế. Ông cũng đã đưa ra hàng loạt câu hỏi mang nặng những trăn trở cho tương lai nền kinh tế tỉnh nhà, như: “Vì sao người dân phải bỏ xứ đi làm ăn xa”? “Vì sao kinh tế hàng năm vẫn tăng trưởng khá nhưng dân số lại giảm”? “Hiện người dân đang thiếu cái gì, cần chính quyền hỗ trợ cái gì?…

Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Rồi ông tự đưa ra câu trả lời hết sức gần gũi nhưng cũng thật sâu sắc và nhân văn: “Thật ra, mong muốn của người dân cũng giản đơn lắm, họ chỉ cần có việc làm, thu nhập ổn định, có điều kiện đi lại, vui chơi giải trí lành mạnh và con em được học hành đàng hoàng… Vì vậy, trước mắt muốn cho dân có việc làm, bám trụ ở địa phương thì phải mạnh dạn đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, cho dù ít nhiều có tác động đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có con tôm”.

Xuất phát từ thực tế và suy nghĩ trên, trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất HĐND tỉnh, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và cả nhiệm kỳ, bên cạnh việc tiếp tục gia cố, phát huy vai trò bệ đỡ nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững hơn thì hướng phát triển kinh tế quan trọng là phải đột phá vào ngành công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu giải thích: “Chỉ có đột phá một cách mạnh mẽ và phù hợp với xu thế chung cho phát triển công nghiệp mới có thêm thật nhiều việc làm, mới có thể tăng được thu nhập cho người dân và tạo ra động lực cho nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn”.

Công nghiệp chế biến, may mặt phát triển sẽ thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân
Công nghiệp chế biến phát triển sẽ thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Sóc Trăng còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa có cơ hội, điều kiện để khai thác, nên theo ông Lâu trong nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ cố gắng tập trung ưu tiên nguồn lực để khai thác tiềm năng về công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch để không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, mà còn tạo tiền đề tốt cho cả nhiệm kỳ và những năm sau nữa.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch vùng và quốc gia, Sóc Trăng sẽ quy hoạch các cụm, khu công nghiệp tập trung phát triển dọc theo tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu và một số địa bàn khác để tận dụng, phát huy tối đa ưu thế về giao thông đường bộ lẫn đường thủy nội địa và nhất là đường biển thông qua việc kết nối với cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai.

Chủ tịch Trần Văn Lâu lưu ý: “Với chiến lược quy hoạch trên, trong định hướng phát triển một số loại nông, thủy sản chủ lực như: con tôm, lúa gạo, cây ăn trái… ngành nông nghiệp cần tính đến các lợi thế mang đến từ các cụm, khu công nghiệp để tạo sự kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp. Phải làm sao phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, kinh tế Sóc Trăng có được nền tảng tăng trưởng và phát triển vững chắc, mang lại cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn cho người dân”.

Khi công nghiệp phát triển, sẽ tạo động lực giúp nông nghiệp, thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững hơn
Khi công nghiệp phát triển, sẽ tạo động lực giúp nông nghiệp, thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững hơn
Khi công nghiệp phát triển, sẽ tạo động lực giúp nông nghiệp, thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững hơn

Song, muốn phát triển kinh tế trước hết phải quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó giao thông là một nút thắt cần tháo gỡ. Theo nhận định của ông Lâu, hệ thống giao thông trên địa bàn Sóc Trăng hiện còn chưa đủ đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh thì chưa thể đảm bảo cho vận chuyển hàng hóa, hành khách, logictics… Đây cũng chính là rào cản khiến các nhà đầu tư ít quan tâm đến Sóc Trăng do chi phí vận chuyển, logictics cao sẽ làm giảm lợi nhuận và tăng độ rủi ro. Do đó, để đột phá phát triển công nghiệp thì trước hết phải tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng mà trọng tâm là mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống cảng biển, cảng sông và điện cho sản xuất, sinh hoạt…

Cũng theo ông Lâu, tới đây trên địa bàn tỉnh sẽ có các trục giao thông lớn, như: cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau; cao tốc từ Châu Đốc đến Trần Đề và cả tuyến đường hạy dọc ven biển từ Tiền Giang đến Cà Mau. Riêng cầu Đại Ngãi, cũng sẽ được khởi công trong nhiệm kỳ này. Ông Lâu lạc quan: Ngay trong năm Tân Sửu 2021 này, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ khởi công tuyến trục Đông Tây từ thị xã Ngã Năm đi qua huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên đến điểm cuối là thị xã Vĩnh Châu. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng rất quyết liệt trong việc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương bổ sung cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch chung của vùng. Dự án này trước nay rất khó khăn nhưng nhiều khả năng sẽ được phê duyệt đưa vào quy hoạch trong năm nay. Khi có cảng nước sâu, chúng ta sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh đã được vị Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề ra. Điểm đột phá đã được xác định cùng với hệ thống giải pháp đồng bộ sẽ giúp kinh tế Sóc Trăng khởi sắc hơn, thu nhập và đời sống người dân sẽ ngày một tốt hơn và những mùa xuân mới sẽ về trong an vui đúng như giá trị và ý nghĩa đích thực vốn có của nó.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội