Theo thống kê, Quảng Ninh huy động trên 7.000 y, bác sĩ tham gia chống dịch, thành lập 10 đội điều trị chuyên khoa, 16 đội phản ứng nhanh, 26 đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng điều động tăng cường hỗ trợ cho các địa phương.
Các địa bàn được xác định là trọng yếu, có nhiều ca nhiễm gồm Đông Triều, Hạ Long, Vân Đồn. Kể từ 28-1 đến 31-1, toàn tỉnh đã thực hiện truy vết gần 50.000 người.
Tỉnh Quảng Ninh huy động lực lượng truy vết gần 50.000 người. |
Quảng Ninh cũng cho phép dừng tiếp nhận người bệnh và giải phóng toàn bộ người bệnh đang điều trị tại bốn bệnh viện trên địa bàn, nhằm tập trung điều trị cho các ca nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, đối với những trường hợp bệnh nhân biến chứng nặng, nguy kịch, ngành y tế địa phương chủ động phương án điều trị tại chỗ mà không phải chuyển tuyến.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá: "Quảng Ninh đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, nhanh chóng, bước đầu chặn đà được lây lan từ virus. Tuy nhiên, tình hình hình của tỉnh vẫn rất cấp bách, phức tạp, khó lường”.
Để công tác phòng chống dịch quyết liệt hơn, ông Dương đề nghị Quảng Ninh kích hoạt tổ y tế cộng đồng để những tổ này là cánh tay nối dài của chính quyền. Ngoài ra, vị phó viện trưởng cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh các hành vi lơ là chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, mục tiêu của Quảng Ninh là nhanh chóng dập dịch, giảm thiểu ca mắc mới, phấn đấu không có ca tử vong.
“Chậm nhất đến ngày 9/2/2021 (28 Tết) phải có thông báo về các vùng an toàn để nhân dân biết và đón tết” – ông Ký nhấn mạnh và đề xuất Chính phủ dành tiết kiệm 10% chi ngân sách thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác để mua vắc-xin sớm nhất cho người dân.