8 đội thuyền tề tựu đông đủ trong ngày đua 8 chiếc. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
“Tết là từ mồng 4 đến mồng 8”
Người dân Lý Sơn nói vui, Tết trên đảo là từ mồng 4 đến mồng 8 Tết. Sở dĩ họ nói vậy, là vì trong các ngày này diễn ra lễ hội đua thuyền tứ linh, một lễ hội có truyền thống hàng trăm năm qua.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, cho biết trong mấy ngày Tết, người dân trên đảo thường đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết hay đi chùa cầu an. Chỉ những ngày đua thuyền, thì không khí cả đảo mới tưng bừng do nhiều người, nhiều gia đình đều ra các bãi biển để xem đua thuyền.
Cũng theo ông Nam, đua thuyền truyền thống trên đảo Lý Sơn kéo dài từ ngày mồng 4 đến mồng 8 Tết. Vào các ngày từ mồng 4 đến mồng 7 Tết, đua thuyền diễn ra tại 2 vùng An Vĩnh và An Hải với 4 đội thuyền đua đại diện cho 4 xóm của mỗi xã. Đến ngày mồng 8 Tết, 8 đội thuyền đua sẽ tề tựu đông đủ tại vùng biển trung tâm huyện để đua.
Các đội thuyền chuẩn bị xuất phát. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Vào ngày mồng 8 Tết, sẽ diễn ra 2 lượt đua. Ở lượt đua đầu tiên mà người dân Lý Sơn còn gọi là “đua 8 chiếc”, sẽ có sự tham dự đầy đủ của các đội thuyền đua đến từ 2 vùng An Vĩnh và An Hải.
Cả 8 đội thuyền đua phải bốc thăm ngẫu nhiên hoa tiêu xuất phát của mình. Sau lượt đua đầu tiên, 4 đội thuyền đua có thành tích tốt nhất sẽ bước vào vòng đua thứ 2 mà người dân địa phương còn gọi là “đua chung cuộc” hay “đua tranh vô địch”. Đội thuyền nào giành chiến thắng ở lượt đua này, sẽ lên ngôi vô địch.
Nét văn hóa biển đặc sắc
Đua thuyền không là duy nhất, nhưng gần như rất ít nơi tổ chức đua thuyền trên biển nhân dịp năm mới đảo Lý Sơn. Nét văn hóa biển này rất đặc sắc khi tồn tại hàng trăm năm qua. Nhưng khi hỏi đua thuyền ở đảo Lý Sơn xuất phát từ An Vĩnh hay An Hải, thì chưa có cứ liệu nào chuẩn xác.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Thoại Tuyền, người được xem là “nhà Lý Sơn học” khi nắm giữ rất nhiều sử sách liên quan đến đảo Lý Sơn. Ông Tuyền cũng đồng ý rằng, hiện chưa có chứng cứ nào đủ xác thực để khẳng định lễ đua thuyền xuất phát từ vùng nào trên đảo. Song, theo cách lý giải của ông, có thể tạm thiên về nơi xuất phát của lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn là An Vĩnh.
Hai đội thuyền đua cạnh tranh quyết liệt. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Thứ nhất, Lý Sơn theo chế độ phụ hệ, trong nhóm tứ linh, thì thuyền Rồng An Vĩnh có râu nên già hơn thuyền Rồng An Hải; thứ hai, theo truyền thống, thì khi từ đất liền ra, thì An Vĩnh là nơi người ta đặt chân đầu tiên rồi mới đến An Hải; thứ ba, khi vua Gia Long lên ngôi và lập đội Hùng binh Hoàng Sa, thì ông Phạm Quang Ảnh (người An Vĩnh) là đà công đầu tiên giong thuyền đi Hoàng Sa.
Tháng 10/2020, Bộ VH-TT&DL đã công nhận lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, người dân Lý Sơn “đang buồn” vì hiện tại lễ hội đua thuyền cũng nằm trong các hoạt động đông người bị yêu cầu tạm dừng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi. “Biết sẽ là mất vui, nhưng mong bà con hiểu và thông cảm để cùng chính quyền phòng, chống dịch. Từ nay đến ngày diễn ra lễ hội đua thuyền còn vài ngày nữa, hy vọng lúc ấy dịch được kiểm soát và các cấp gỡ bỏ lệnh cấm”, một lãnh đạo huyện Lý Sơn trao đổi với phóng viên. |
Lúc này có nghi lễ tiễn đội hùng binh đi làm nhiệm vụ và sau này là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong lễ có đua thuyền, và lễ được tổ chức tại đình làng An Vĩnh. “Từ những dữ liệu đó, tôi thiên về ý kiến lễ hội đua thuyền trên đảo Lý Sơn xuất phát từ An Vĩnh.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, thì cần có thêm nhiều chứng cứ lịch sự cũng như sự tìm hiểu của các nhà khoa học”, ông Tuyền nhấn mạnh.
Theo ông Tuyền, lễ đua thuyền gắn đậm nét trong tâm linh, tín ngưỡng của người dân đảo Lý Sơn. Họ quan niệm nếu thuyền mình giành chiến thắng ở ngày đua đầu tiên mồng 4 Tết, thì năm đó cả xóm sẽ làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào.
Còn các vị bô lão đúc kết như sau: nếu thuyền Rồng về nhất, năm đó dường như có sự đổi mới toàn bộ; thuyền Lân về nhất, có sự thay đổi về mặt xã hội; thuyền Quy về nhất sẽ làm ăn thuận lợi cả biển và nông nghiệp; còn thuyền Phụng về nhất thì cả nghề biển và nghề nông trong năm đó sẽ cực kỳ phát đạt. Ngoài ra, trên đường đến trường đua, các thuyền phải quay đầu vào bờ để lạy nếu trong phía bờ ấy có các dinh, miếu, sở… gọi là “xin phép”, lúc đi về thì không cần.