MB lãi lớn dù trích hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vì Covid-19 |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB), hoạt động chính mang về mức thu nhập lãi thuần cho MB gần 5.165 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tăng 60% so với cùng kỳ và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng gần 9%.
Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh khác của MB lại ghi nhận sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 5%, còn 177 tỷ đồng; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư giảm 4%, chỉ đạt 155,8 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 53%, đạt 425 tỷ đồng.
Măc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 3/2020 giảm 4% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 3.899 tỷ đồng, song do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 33% chỉ còn gần 884 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 3/2020 của MB tăng 10% lên mức 3.015 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ tăng 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.357 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 14% so với cùng kỳ, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.134 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.595 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6.332 tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của MB |
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MB trong kỳ âm hơn 15.636 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 2.364 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi lãi và các khoản chi tương tự thêm 1.339 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng (bao gồm cả Kho bạc Nhà nước) âm hơn 3.510 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 14.166 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của MB ở mức hơn 427.175 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ghi nhận gần 268.642 tỷ đồng, tăng 7%; Các khoản phải thu ghi nhận hơn 15.645 tỷ đồng, tăng 36%. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng lại giảm nhẹ 1% so với đầu năm, còn hơn 269.189 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của MB tại ngày 30/9/2020 tăng 39% so với đầu năm, ở mức 4.035 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 221%, lên mức 1.982 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất; Nợ nghi ngờ tăng 13%, lên mức 1.016 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn giảm xuống mức 1.036 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MB tăng lên mức 1,5% so với 1,16% hồi đầu năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dư nợ cho vay của MB ở khoản mục các tổ chức kinh tế chủ yếu nằm ở các công ty cổ phần (64.928 tỷ đồng) và công ty trách nhiệm hữu hạn (46.373 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền cho vay của MB chủ yếu vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (62.521 tỷ đồng); Công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng (41.640 tỷ đồng); Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng (86.702 tỷ đồng)...
Được biết, trong khối tổ chức kinh tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) là đối tác quen thuộc của MB. Ở trong các thương vụ phát hành trái phiếu của Trung Nam Group, nhà băng này thương đóng vai trò đại lý lưu ký và quản lý tài sản bảo đảm.
Theo số liệu công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 15.000 tỷ đồng trong vòng hơn một năm qua cho các dự án bất động sản và nhà máy điện mặt trời.
Hầu hết các lô trái phiếu của nhóm đều có kỳ tính lãi 3 tháng/lần, lãi suất từ 10 - 10,5%/năm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo tính theo lãi suất tiết kiệm của MB cộng thêm biên độ từ 3,5-3,9%/năm. Trái phiếu được đảm bảo và dòng tiền thanh toán bằng chính dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận...
Đáng nói, theo các chuyên gia kinh tế, các dự án điện mặt trời sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Làn sóng ồ ạt phát hành trái phiếu để phát triển dự án điện mặt trời khiến nhiều ý kiến lo ngại liệu có xảy ra rủi ro.
Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời, bởi rủi ro các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, không thực hiện dự án đúng tiến độ…