Tăng thời gian bán hàng
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, do đó nhiều siêu thị đã tăng thời gian bán hàng dịp Tết phục vụ nhân dân. Đối đối với những ngày cao điểm mua sắm trước Tết (ngày 27 – 29 Tết), các trung tâm mua sắm lớn tại các thành phố lớn có thời gian mở cửa từ 6 – 23h.
Các trung tâm hầu hết sẽ phục vụ nửa ngày 30 Tết, sẽ đóng cửa vào 12 trưa. Tất cả các trung tâm đóng cửa ngày mùng 1 Tết. Các trung tâm thương mại lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, sẽ mở cửa trở lại vào ngày mùng 2 Tết, khung giờ phục vụ vào 7 – 15h. Các trung tâm khác hầu như mở cửa lại vào ngày mùng 3 Tết và phục vụ vào lúc 7 – 20h.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết: Cùng với hệ thống siêu thị MM Mega cả nước, 4 siêu thị MM Mega Hà Nội gồm: Hoàng Mai, Hà Đông, Thăng Long, Thanh Xuân đều tăng giờ bán hàng so với ngày thường từ 1 đến 2 tiếng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Nhiều siêu thị đã tăng thời gian bán hàng dịp Tết phục vụ nhân dân |
Đối với những ngày cao điểm mua sắm trước Tết (ngày 27 đến 30 Tết), các trung tâm hầu hết sẽ phục vụ nửa ngày 30 Tết, đóng cửa vào 12h trưa và nghỉ ngày mùng 1 Tết. MM Mega Thăng Long mở cửa từ 7h đến 15h ngày mùng 2 Tết, Hà Đông từ 7h đến 20h mùng 3 Tết, các siêu thị MM Mega còn lại mở cửa từ 7h mùng 4 Tết.
Đại diện Saigon Co.op cho biết: Hệ thống bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, Sense City, Cheers sẽ tăng 2-4 giờ mở cửa phục vụ tết mỗi ngày. Họ chỉ nghỉ hoàn toàn ngày Mùng 1 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại từ mùng 2 tết. Riêng loạt cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Cheers sẽ hoạt động xuyên suốt không nghỉ.
Từ nay đến 26 Tết, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Smile mở cửa từ 7h sáng đến 23h đêm, riêng chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food mở cửa sớm hơn (từ 6h).
Từ ngày 8/2 đến 10/2/2021 (tức ngày 27 đến 29 Tết), giờ mở cửa sẽ từ 6h sáng. Sau khi nghỉ mùng 1, Co.opmart mở cửa nửa ngày từ mùng 2 Tết, Co.op Smile mở cửa từ Mùng 3, Co.op Food mở cửa từ mùng 4.
Hệ thống Big C tăng thời gian mở cửa từ 7h đến 23h từ hôm 17 tháng Chạp và duy trì đến 29 Tết. Riêng 30 Tết sẽ mở cửa lúc 6h và dừng hoạt động lúc 14h. Siêu thị này cũng đóng cửa vào ngày Mùng 1 nhưng mở cửa xuyên suốt từ 8h đến 22h30 vào mùng 2 và mùng 3.
Tại hệ thống siêu thị Aeon sẽ hoạt động thêm giờ và mở cửa xuyên Tết để phục vụ người dân đến mua sắm, giải trí. Cụ thể, siêu thị Aeon Long Biên và Hà Đông (Hà Nội) mở cửa từ 8h sáng đến 23h đêm giai đoạn ngày 27 - 29 Tết. Trong ngày 30 Tết, những điểm bán này vẫn hoạt động từ 8h đến 20h, sau đó tiếp tục mở cửa từ 12h đến 22h ngày mùng 1. Từ mùng 2 - 5 Tết, các siêu thị phục vụ khách từ 8h đến 22h.
Đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào, không tăng giá
Các siêu thị cho biết, đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết với giá bán không tăng. Đồng thời, các siêu thị cũng có những kế hoạch sẵn sàng cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kích hoạt các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị phương án tập trung hậu cần để bảo đảm cung cấp hàng hóa Tết đủ đầy trong mọi hoàn cảnh.
Các doanh nghiệp phân phối đã xây dựng chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng |
Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021, ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7 đến 22% so với năm ngoái, các doanh nghiệp phân phối đã xây dựng chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cách đây vài tháng, các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã lên kế hoạch dự trữ và hiện tại hàng hóa đã về đến kho, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Bộ Công thương cũng đã có công văn đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; Kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu; Triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Bộ cũng sẽ kịp thời đề xuất các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá góp phần giúp người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.