Nhà văn Di Li cho biết trong những ngày cả Hà Nội phải giãn cách xã hội thì chị đã coi đó là cơ hội để có thời gian tĩnh lặng hồi tưởng lại những chuyến đi bão táp trên trang viết ngay trước khi các quốc gia thiết lập lệnh phong tỏa vì đại dịch.
"Cô đơn trên Everest"- cuốn sách mới nhất của nhà văn Di Li |
“Cô đơn trên Everest” được coi là cuốn du hành ký ưng ý nhất của nhà văn Di Li với những câu chuyện trải dài trên ba lục địa. Điều đặc biệt là các chuyến đi đến những vùng xa xôi, thậm chí nguy hiểm như sa mạc Sahara hay dãy Himalaya luôn được Di Li thực hiện cùng các bạn đồng hành nữ giới. Chính vì vậy, những chuyến đi dù có phiêu lưu, kỳ lạ và mạo hiểm đến đâu đều mang đậm chất tự sự nữ tính, không chỉ bởi văn phong mà còn vì tất cả các nhân vật chính đều là phụ nữ.
“Cô đơn trên Everest” là những trải nghiệm độc nhất vô nhị trong chuyến hành hương gian khổ đến các thánh địa Phật giáo lâu đời nhất thế giới là Bodhgaya (Ấn Độ), Lhasa (Tây Tạng) và Kathmandu (Nepal). Vẫn với phong cách hài hước và thậm chí là hồi hộp của một tiểu thuyết gia trinh thám, Di Li đã khiến người đọc đứng tim khi song hành cùng những câu chuyện trải dài theo dãy núi tuyết Himalaya và dọc bờ sông Hằng.
Nhà văn Di Li trong chuyến đi đến Everest của mình |
Các nhân vật đã đi bằng mọi phương tiện để lần theo dấu chân Phật, qua bao làng mạc phủ bụi của những miền quê nghèo của vùng Bắc Ấn, trải qua những đêm rét mướt tại các ngôi chùa và tự nấu ăn trong bếp chùa bằng thực phẩm mua được từ chợ làng. Họ cũng đã lên chuyến tàu Thanh Tạng với đường sắt cao nhất thế giới để lên cao nguyên Tibet, rồi từ đó đi qua những con đèo ở độ cao hơn 5000m để đến với Everest.
Những câu chuyện ma quái với tiếng cười kỳ dị lúc nửa khuya ở khách sạn Dorsett, đêm trắng khi ngủ lều trong tình trạng không khí loãng trên trại nền Everest, chuyến đi tử thần vài trăm kilomet chênh vênh miệng vực qua biên giới Tây Tạng-Nepal, cảnh đốt xác người chết trên bờ sông Kathmandu và cuộc chạm trán nữ thần sống ở Lalipur là những trải nghiệm chỉ thấy trong phim ảnh mà tác giả cho rằng vĩnh viễn không thể quên được.
Chị Vũ Phương Liên, giám đốc Công ty Sách Liên Việt, đơn vị đã in ba cuốn du ký gần đây nhất của nhà văn Di Li, đồng thời cũng là bạn đồng hành trên từng cây số cùng tác giả trong những chuyến đi vòng quanh thế giới đã chia sẻ rằng: “Đối với tôi Di Li là một người dẫn đường tuyệt vời nhất và tôi luôn khâm phục bộ óc quan sát tuyệt vời của cô ấy.
Di Li có khả năng biến những chuyến phiêu lưu, khám phá của chúng tôi trở nên vô cùng li kỳ và hài hước. Nhưng đặc biệt hơn cả, Di Li luôn biết cách sử dụng ngòi bút, văn phong đặc biệt của mình để tái hiện lại từng chi tiết, từng câu chuyện thật chân thực và sống động trong những cuốn sách của mình.
10 năm đồng hành cùng nhau, Di Li đưa tôi từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác, mở mang tầm nhìn và tri thức của tôi bằng những cách thức sáng tạo nhất. Đó cũng chính là lí do tôi đặt hoàn toàn niềm tin của mình vào Di Li và luôn sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu đang chờ đợi phía trước.”
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng nhận xét rằng: "Tôi thấy rất rõ qua những trang ghi chép đầy báo chí mà cũng đầy văn học của của “người dẫn đường du lịch khắp địa cầu” Di Li một cái chất Đàn Bà. Đàn bà đến đáy chứ không phải đàn bà lớt phớt. Và đúng là đàn bà ăn vặt, tí tởn, cay nghiệt với từng chi tiết nhỏ nhất trên đường thiên lý, điều không bao giờ có ở "người dẫn đường đàn ông". Đó là cái duyên viết lách vừa cao tay vừa hồn nhiên mà tôi thích nhất ở Di Li".
Nhà văn Đặng Thiều Quang bình luận: “Du ký của Di Li cuốn hút bởi rất nhiều chi tiết ngập tràn thông tin mới lạ, chính điều đó đã làm nên những câu chuyện. Di Li kể chuyện hấp dẫn, tỉ mỉ và thủ thỉ như một người bạn. Qua cách mà cô chia sẻ thông tin, những chuyến đi không chỉ đơn thuần là cảm xúc hay trải nghiệm cá nhân nữa, nó khiến người đọc lập tức được cùng tác giả tham gia hành trình phiêu lưu, khám phá những vùng đất xa xôi mới lạ và gặp gỡ những con người thú vị.”
NSND - diễn viên Minh Châu, một người cũng từng đi rất nhiều đã thốt lên với Di Li rằng: “Có lẽ phải chờ đến kiếp sau tôi mới mon men nghĩ đến việc chinh phục đỉnh cao Everest, vậy mà thấy Di Li kể chuyện cứ như không. Tóm lại em là người hạnh phúc nhất trần đời, vì đã sống một cuộc đời đáng sống và không phải hối tiếc. Em là người chiến thắng. Cảm ơn em đã cho chị thêm sức mạnh.”
Nhà văn Di Li cho biết dù không có sự phong tỏa của đại dịch thì theo kế hoạch cũ, trong ba năm liên tiếp chị cũng sẽ ở nhà thay vì các chuyến đi như trước đây để tập trung cho cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ ba là “Hầm tuyết”, một cuốn tiểu thuyết cũng mang tính du hành ký với đề tài dân số.