Nguồn cung thực phẩm dồi dào, chất lượng tốt, giá rẻ


TTTĐ - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề, thời điểm này tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung các loại thực phẩm, hoa quả, rau xanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết khá dồi dào, chất lượng tốt, đặc biệt, giá cả lại rẻ hơn nhiều so với ngày thường.

Giá các loại rau xanh, thực phẩm đều giảm

Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) vào sáng 29 tháng Chạp năm Canh Tý, nguồn cung các loại thực phẩm, các loại rau xanh, hoa, quả khá dồi dào, tươi ngon. Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Hoan - một người bán rau tại chợ, dịp cuối năm thời tiết nồm ẩm, nên rau xanh sinh trưởng phát triển nhanh, chất lượng rau cũng tốt hơn nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên càng những ngày cận Tết, giá rau xanh càng rớt giá.

Cụ thể, rau bắp cải chỉ có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, cà chua có giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, cải ngọt có giá 10.000 đồng/kg, su hào có giá 10.000 đồng/4 củ; hành, mùi có giá 25.000 đồng/kg... Mức giá này chỉ bằng một nửa so với ngày thường.

Không chỉ có rau rẻ, các loại thực phẩm khác như cá, thịt gia cầm, trứng, thịt bò cũng không tăng so với ngày thường. Cụ thể, giá gà sống dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg, cá dao động từ 60.000 - 75.000 đồng/kg, trứng gà dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/quả.

Nguồn cung thực phẩm dồi dào, chất lượng tốt, giá rẻ
Giá thịt lợn trong những ngày áp Tết Nguyên đán lại quay đầu giảm

Khác với dự báo trước đây của một số cơ quan chức năng là “giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng do nguồn cung giảm”, thì giá thịt lợn trong những ngày áp Tết Nguyên đán lại quay đầu giảm.

Hiện giá lợn hơi đang dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giảm kéo theo giá thịt lợn trên thị trường giảm tương đương từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Ghi nhận tại chợ Dương Nội (quận Hà Đông), giá thịt lợn dao động quanh mức 130.000 - 170.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg so với tuần trước).

Nói về nguyên nhân khiến giá thịt lợn bất ngờ quay đầu giảm giá, chị Vũ Thị Thương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bún (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, thời điểm này các doanh nghiệp chế biến đã cơ bản đủ lượng hàng Tết, nên không thu mua nhiều như trước. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh, sinh viên nghỉ học sớm, nhiều nhà máy cũng cho công nhân nghỉ Tết sớm. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn cũng vắng khách… kéo theo giá thịt lợn giảm.

Cũng theo chị Thương, hiện nay nguồn cung thịt lợn khá dồi dào, do các trại chăn nuôi dự trữ lợn để bung ra bán trong dịp Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đã mở rộng quy mô chăn nuôi phục vụ dịp Tết.

Mặc dù giá cả các loại thực phẩm, rau xanh rẻ và dồi dào nhưng không khí mua bán khá trầm lắng. Hàng buôn bán ế ẩm, khiến người bán không khỏi lo lắng.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng phục vụ Tết Nguyên đán

Cùng với chủ động phòng dịch, khi thời điểm tết nguyên đán đang rất cận kề, Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dồi dào để người dân có thể mua sắm phục vụ Tết.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Sở Công thương đã xây dựng phương án tương ứng với 3 cấp độ dịch. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng gấp 1-3 lần ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Nguồn cung thực phẩm dồi dào, chất lượng tốt, giá rẻ
Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dồi dào để người dân có thể mua sắm phục vụ Tết

Các siêu thị, cửa hàng mua sắm cũng triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch, như bắt buộc nhân viên phục vụ và người dân đến mua sắm phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn, bố trí các điểm thanh toán hợp lý để giãn khoảng cánh, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi sắm Tết.

Để tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi trường hợp, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, kiên quyết không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nhân dân nhận thức và hiểu rõ được tác hại, mức độ lây bệnh của dịch bệnh, nhất là tự giác trong khai báo y tế, nâng cao trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch và thực hiện tốt thông điệp 5K, gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội...

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội