Người trẻ xa quê: Tết muộn nhưng vẫn hạnh phúc


TTTĐ - Khác với dòng người hối hả rời thành phố về quê đoàn tụ với gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Một bộ phận người trẻ lựa chọn về nhà sau Tết để giảm bớt áp lực tiền bạc và tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong 3 ngày Tết ở thành phố.

Thêm khoản thu phụ đỡ gia đình

Ngay sau khi thi kết học kỳ, Nguyễn Hải Long (22 tuổi, quê Sơn La) tranh thủ nhận gói hàng Tết cuối năm cho một cửa hàng tạp hóa đến tối muộn, sau khi cửa hàng đóng cửa, Long tiếp tục tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách cày cuốc những chuyến xe ôm công nghệ.

“Đang dịch thế này, tôi lại ở khu vực quận Nam Từ Liêm, dù tôi không liên quan đến các F nhưng tiếp xúc cũng nhiều, vì thế để đảm bảo an toàn cho gia đình, tôi quyết định Tết ở lại Hà Nội. Qua Tết là bắt đầu học kỳ mới, nên thời gian này tôi tranh thủ làm thêm kiếm thêm tiền đóng học phí. Cuối năm nhu cầu đi lại của mọi người lớn sau khi trừ đi các chi phí thì tôi cũng để ra được một chút để biếu bố mẹ và tiêu xài cá nhân”, Long chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ trang thủ dịp Tết ở lại thành phố làm thêm
Nhiều bạn trẻ trang thủ dịp Tết ở lại thành phố làm thêm

Các công việc thời vụ trong dịp Tết thu hút nhiều bạn trẻ không về quê ở lại thành phố kiếm thêm, nhất là giới sinh viên, bởi thu nhập hấp dẫn, thù lao lên tới 500 nghìn đồng/ ngày. Phục vụ ở quán cà phê, cửa hàng ăn uống, giữ thú cưng, bán hàng trong trung tâm thương mại, các điểm vui chơi giải trí… là những công việc thời vụ được tuyển nhiều nhất trong mùa Tết.

Làm nhân viên trong một trung tâm thương mại, Lê Thu Hương, 20 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cũng chọn về nhà sau Tết để kiếm thêm thu nhập. Hương tâm sự: “Công việc chỉ làm thời vụ trong dịp Tết nhưng lương được trả theo ngày cao gấp 3 – 4 lần lương ngày thường nên em tranh thủ làm đến hết mùng 5 Tết rồi mới về nhà. Không được đón giao thừa cùng gia đình cũng buồn, nhưng bù lại em có thêm một khoản để lo học phí, tiền nhà trọ sau Tết. Năm nay, đứa em trai cũng chuẩn bị luyện thi đại học nên đỡ được bố mẹ đồng nào tốt đồng đó”.

Người trẻ xa quê: Tết muộn nhưng vẫn hạnh phúc

Kết thúc lịch học ở trường, Đỗ Thị Thúy Hằng, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận công việc làm MC (dẫn chương trình) tại các trung tâm Kết thúc lịch học ở trường, Đỗ Thúy Hằng, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận công việc thời vụ làm MC (dẫn chương trình) tại các trung tâm thương mại. Hằng cho hay, những ngày gần Tết và trong Tết các trung tâm thương mại thường tổ chức các chương trình để thu hút người dân đến mua sắm, các phụ huynh đưa con em đến vui chơi.

Người trẻ xa quê: Tết muộn nhưng vẫn hạnh phúc

“Về nhà ăn Tết muộn hơn các bạn cũng hơi buồn nhưng bù lại sang năm em đỡ lo phần học phí. Hơn nữa, làm MC tại các trung tâm thương mại em tích lũy thêm được kinh nghiệm cho bản thân để sau khi ra trường dễ dàng hơn khi đi phỏng vấn xin việc”, Hằng chia sẻ.

Chắt chiu chút quà muộn

Cố gắng tận dụng thời gian trong mùa Tết để có thêm thu nhập, nhiều bạn trẻ mong muốn có thể đỡ đần hoàn cảnh gia đình, mua chút quà biếu bố mẹ, người thân dịp đầu năm mới.

Trong giây phút nghỉ ngơi giữa mỗi cuốc xe đêm, Hải Long tâm sự: "Bao nhiêu năm học ở Hà Nội nhưng chưa năm nào mình đủ tiền mua quà về biếu bố mẹ. Tiền mình đi làm thêm cả năm cũng chỉ đủ để đóng tiền học phí cho kỳ sau và tiền phòng trọ. Năm nay, mình quyết định ở lại thành phố mấy ngày Tết để kiếm thêm rồi lấy tiền đó mua quà cho bố mẹ.

Mấy hôm nay, mình cũng lên danh sách những thứ bố mẹ thích để tìm mua rồi mua một chút bánh kẹo cho hai đứa em nhỏ. Mình đi chạy xe, khách cho 2 cuốn lịch coi như quà lì xì đầu năm. Mình gom lại hết đóng vào thùng để làm quà biếu bố mẹ”.

Người trẻ xa quê: Tết muộn nhưng vẫn hạnh phúc

Đang cắm cúi chọn đồ Tết, Thu Hương nói: “Tết ở lại thành phố làm tăng ca nên em tranh thủ chọn mua ít bánh kẹo và mứt Tết gửi về gia đình trước để bố mẹ tiếp khách trong những ngày Tết. Ở nhà mẹ em cũng có sên mứt, nhưng quà con gái gửi về cũng là tấm lòng, khách tới nhà là bố mẹ khoe mứt con gái mua trên thành phố”.

Chiều mùng 5 Tết về quê em sẽ mua thêm chút đặc sản Hà Nội để cả gia đình thưởng thức, vài bộ quần áo mới biếu bộ mẹ và sẽ chúc mừng năm mới bố mẹ bằng chính những đồng lương em kiếm được trong những ngày Tết, Thu Hương nói thêm.

Người trẻ xa quê: Tết muộn nhưng vẫn hạnh phúc
Nhiều bạn trẻ chắt chiu tiền mua quà Tết biếu bố mẹ ở quê

Còn Nguyễn Mạnh Huy (27 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ kế hoạch về quê sau Tết: "Quê tôi cũng gần, nên tôi tự chạy xe về luôn, đỡ tốn tiền vé, để tiền đó mua thêm bánh kẹo, trái cây cho các em nhỏ, tôi cũng đang tìm mua biếu bố mẹ một cái lò vi sóng. Ở quê chỉ cần ra trung tâm thương mại mua cũng có, đỡ phải chở theo cồng kềnh nhưng quà mình tự tay lựa rồi đem về biếu bố mẹ mới có ý nghĩa."

Những món quà nhỏ nhưng chắt chiu cả một tấm lòng của những bạn trẻ bươn trải dịp Tết để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Trong dòng người về nhà sau Tết, mùa xuân dường như vẫn còn đâu đó trên những nẻo đường, Tết không chỉ có 3 ngày mà khi người ta trở về nhà thì mùa xuân vẫn còn đó, trọn vẹn một giá trị đoàn viên, sum vầy.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội