Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình ở Mỹ Đức "Tết sum vầy" kết nối yêu thương “Tết sẻ chia, Tết yêu thương” 2021 chính thức khởi động |
Những đứa trẻ quen “lăn lộn” với núi rừng
Chư A Thai là xã khó khăn của huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Toàn xã có hơn 60% là người dân tộc, hầu hết người dân ở đây đều làm nương rẫy sinh sống qua ngày. Thu nhập chính của các hộ dân đều trông chờ vào những cây sắn, ngô trên rẫy.
Đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô trao quà Tết cho học sinh xã Chư A Thai |
Với thu nhập bình quân đầu người 1,3 triệu/tháng, cuộc sống của đa số các gia đình còn lạc hậu, khó khăn. Trong 5.300 hộ gia đình, có tới hơn 17% là hộ nghèo, ngoài ra còn rất nhiều hộ cận nghèo. Cách xa khu trung tâm nên cả xã chỉ vỏn vẹn vài thanh niên đi làm ở các thành phố lớn. Việc tiếp xúc với những ánh đèn hiện đại của tivi, điện thoại... hay chỉ đơn giản là sách, vở còn khá hiếm hoi với người dân ở xã Chư A Thai.
Tết Tân Sửu 2021 cận kề, báo Tuổi trẻ Thủ đô - Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cùng một số doanh nhân hảo tâm thực hiện chương trình “Tết yêu thương”, mang 217 suất quà gồm: Gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, đồng phục học sinh và tiền mặt trị giá hơn 108 triệu đồng tới học sinh trường Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Học sinh trường Tiểu học Nay Der nhận quà từ Thủ đô Hà Nội |
Đoàn công tác đến trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der vào chiều những ngày giáp Tết. Từ ngoài cổng trường vào đến sân đã có rất nhiều phụ huynh, học sinh đứng để đón chờ tình cảm của đoàn công tác từ Thủ đô Hà Nội.
Kể về hoàn cảnh của những học sinh trong trường, cô giáo Trần Thị Lý (chủ nhiệm lớp 2A) nói: “Các em ở đây thường là học hết lớp 5. Gia đình nào quan tâm lắm thì cho con học hết cấp 2, còn cấp 3 thì rất hiếm. Nhà các em ở rất xa trường, có em xa đến vài chục cây số, lại phải đi qua nhiều núi, đồi, đường sỏi đá. Nhiều lần đến vận động các em đi học, tôi thấy các gia đình hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Nhà chẳng có gì ngoài cái chai, lọ loanh quanh. Trong nhà mà gió lùa như ở ngoài trời”.
Đi học được ăn bán trú, sinh hoạt tại trường nhưng có gia đình lại để con ở nhà làm nương rẫy, trông em hoặc không coi trọng việc học nên con đi hay không thì tùy. Công cuộc vận động học sinh đến trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi cái đói nghèo, lạc hậu bủa vây vùng đất xa xôi, hẻo lánh này.
Hầu hết các học sinh đều gầy gò, xanh xao do “lăn lộn” với núi rừng, nương rẫy từ nhỏ. Các em đi học không có đồng phục, nhiều em chỉ mặc quần áo phong phanh, ngả màu do đã qua nhiều người sử dụng.
Mang Tết yêu thương đến xã nghèo Chư A Thai
“Đoàn từ thiện tới các em mừng lắm, quý vô cùng vì chúng ít khi được ăn kẹo, hiếm khi có quần áo mới. Các em sẽ rất vui và có động lực phấn đấu, vươn lên trong học tập”, cô giáo Lý mừng rỡ chia sẻ.
Em Ksor H’Nhi (dân tộc Ja Rai, học sinh lớp 5A) cho biết: “Em được cô giáo thông báo từ mấy hôm trước sẽ có đoàn công tác từ Hà Nội vào tặng quà. Em rất mong chờ và chỉ mong đến ngày đó”.
Còn với em Đinh H’Mân là dân tộc Ba Na, bố mẹ ở nhà làm rẫy, vất vả cả năm chỉ mong đủ ăn. Đến hiện tại, H’Mân chưa bao giờ được nhận phần quà nào như vậy. H’Mân kể, nhà em cách trường khá xa, khi nào mẹ rảnh rỗi mới chở em đến trường. Bình thường, em và các bạn phải đi bộ. “Quà nhiều quá, em phải đợi mẹ đến đón về. Những món quà này giúp em đón Tết vui hơn”, H’Mân vô tư nói.
Chị Brenh (dân tộc Ba Na) cho biết hai vợ chồng đều đi làm rẫy thuê, nhà có 3 con nhỏ nên rất vất vả, nhiều khi cơm không đủ ăn. Hôm nay 3 con nhận được nhiều quà, số lương thực này đủ để nhà chị sử dụng trong khoảng thời gian dài.
“Tôi thấy rất mừng vì số gạo và thực phẩm này đủ để gia đình không phải lo trong gần một tháng nữa. Năm nay doanh nghiệp khó khăn nên việc làm thuê của vợ chồng chúng tôi cũng không nhiều như mọi năm, kinh tế gia đình càng túng thiếu hơn. Phần quà này rất có ý nghĩa với gia đình tôi và nhiều nhà khác ở xã”, chị Brenh nói.
Đến Chư A Thai, đoàn công tác gửi gắm tình cảm, niềm vui tới các em nhỏ nơi đây, giúp các em đón Tết Tân Sửu ấm nồng và tràn đầy yêu thương.