Theo chân những người đi lễ chùa đầu xuân năm mới, ngôi chùa nào cũng rực sáng ánh đèn, hương hoa thơm ngát trộn lẫn mùi hương đốt thoang thoảng, tiếng nhạc thiền du dương. Tất cả như hòa quyện với nhau tạo nên cảm giác linh thiên, bình an đến lạ lùng. Năm nay do dịch Covid-19, các ngôi chùa ở Hà Nội không quá đông, không còn cảnh người chen kẻ lấn. Người già, người trẻ đều chắp tay niệm Phật, thành tâm hướng về nguồn cội, tâm linh và tin tưởng vào một năm mới tốt đẹp hơn, dịch bệnh sớm qua đi, người người đều được bình an.
Lễ chùa đầu năm đã thành thông lệ của nhiều gia đình Việt mỗi dịp Tết đến |
Đã thành thông lệ của gia đình mỗi dịp tết đến, bà Nguyễn Thị Mùi (quận Tây Hồ) cùng gia đình về chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bên Hồ Tây, để đi lễ đầu năm.
"Năm nào gia đình tôi cũng đi lễ chùa. Năm nay do Covid chùa khá vắng nhưng tôi thấy đến chùa lại có một cảm giác lạ. Không chen chúc, đông đúc, tôi có thời gian ngồi tĩnh tâm, ngắm chùa. Tôi đến ngoài mong cho gia đình nhiều sức khỏe và luôn vui vẻ, còn mong cho dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đất nước bình an, hạnh phúc", bà Mùi nói.
Hầu hết người dân Thủ đô đi chùa năm nay đều có ý thức đeo khẩu trang |
Chị Đặng Thị Nga (Thạch Bàn, Long Biên) cho biết: “Mùng 1 Tết năm nào tôi cũng đến chùa cầu bình an cho gia đình. Ngoài ra, đi chùa cũng mang lại cho tôi niềm phấn khởi khi bước vào năm mới. Năm nay, chùa có vẻ vắng hơn, đỡ chen chúc hơn, chứ bình thường mọi năm đông đúc lắm”.
Đi lễ chùa đầu năm đã thành một thói quen của nhiều gia đình. Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình lựa chọn ở nhà. Một số khác vẫn quyết tâm đến lễ chùa.
Lý do gia đình bà Lê Thị Hòa (quận Ba Đình) vẫn quyết định đi chùa trong bối cảnh dịch Covid-19 là vì theo quan niệm của gia đình bà, trong những ngày Tết Nguyên đán phải ưu tiên việc đi lễ chùa trước sau đó mới đi chúc Tết anh em, họ hàng hai bên nội ngoại. Việc làm này giúp bản thân và gia đình tìm được sự thanh tịnh, thư thái để hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới, nhất là năm 2021 dự báo còn khó khăn hơn năm 2020 cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Xin chữ ông đồ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt |
Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp để du xuân, thưởng lãm cảnh đẹp và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bạn Nguyễn Hoàng Minh (24 tuổi, phường Định Công, Hoàng Mai) cho biết: “Mỗi dịp Tết đến, tôi và các anh chị em trong gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu cho bản thân, gia đình luôn hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông; cầu cho Thủ đô và đất nước bình an. Hòa mình vào không gian linh thiêng chốn cửa chùa, tôi hiểu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy”.
Người dân xúng xính áo dài đi lễ chùa đầu năm |
Theo quát sát của phóng viên, trong bối cảnh diễn biến Covid -19 còn nhiều phức tạp, hầu hết người dân Thủ đô đi chùa năm nay đều có ý thức đeo khẩu trang rất cẩn thận. Bên cạnh đó, hầu hết các đền chùa đều vắng nên khoảng cách giữa mọi người cũng giữ được an toàn. Ngoài ra, trước cổng ra vào, Ban quản lý các đền chùa đều chuẩn bị nước sát khuẩn để người dân sử dụng.
Trước cổng ra vào, Ban quản lý các đền chùa đều khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay |
Có thể khẳng định, với người Việt, đi lễ đền, chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mỗi người có dịp để tâm hồn lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.