Khung pháp lý cho hoạt động nhân đạo, từ thiện là rất cần thiết


TTTĐ - Ngày 28/1, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN) tổ chức tọa đàm tham vấn đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Làm từ thiện: cần những hành động thiết thực Tiểu Vy, Phương Nga, Thuý An cùng thí sinh Hoa Hậu Việt Nam 2020 "vác" nửa tấn gạo làm từ thiện tại Vũng Tàu Từ thiện phát triển - xu hướng trong và sau đại dịch Covid-19 Đà Nẵng: Cậu sinh viên mồ côi có tấm lòng thiện nguyện

Tránh tình trạng trục lợi từ hoạt động thiện nguyện

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; Đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008.

Với mục tiêu tham gia tích cực vào quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi, thúc đẩy sự tham gia của tổ chức xã hội, cộng đồng và các bên liên quan vào quá trình đóng góp xây dựng chính sách, phát triển hệ sinh thái cho hoạt động từ thiện tại Việt Nam, Viện MSD và Trung tâm LIN đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm tham vấn, đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi.

Tọa đàm có sự tham dự của gần 50 đại biểu, trong đó có đại diện Bộ Tài chính, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Công an, đại diện các tổ chức xã hội, luật sư, nhà nghiên cứu và cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Viện MSD phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Viện MSD phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch Viện MSD cho biết: "Nghị định 64/2008 ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp ngành và quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành; Còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động từ thiện, tạo nên sức mạnh cho cộng đồng”.

Một số điểm nổi bật trong phiên thảo luận đã chỉ ra nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong việc từ thiện, đặc biệt là những trường hợp khấn cấp. Nguồn lực từ cộng đồng đang rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Để hoạt động từ thiện tổng hợp sức mạnh cộng đồng...

Với 30 năm thực hiện các công tác cứu trợ, từ thiện, nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ: “Những lúc ngặt nghèo, khẩn cấp, nhiều cá nhân, tổ chức cộng đồng chính là đội ngũ phản ứng nhanh, hiệu quả, đi đầu. Điều đó rất tốt nhưng chiếu theo Nghị định thì họ lại sai.

Tôi đồng ý việc từ thiện cũng cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi. Tôi nghĩ trong thời đại 4.0, nếu có hướng dẫn cụ thể, chuẩn xác, minh bạch khi làm từ thiện thì chính cộng đồng xã hội sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả. Nếu có một Nghị định bao quát, rõ ràng, dễ hiểu… thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ chặt chẽ, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn".

Nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ những câu chuyện từ thực tiễn hoạt động từ thiện
Nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ những câu chuyện từ thực tiễn hoạt động từ thiện

Thêm vào đó, các chia sẻ cũng chỉ ra rằng, việc làm từ thiện của cá nhân tổ chức có cả thuận lợi và thách thức nhưng không đồng đều theo địa phương, trường hợp cần hỗ trợ. Điều này đặt ra vấn đề thách thức về chính sách và quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng.

Câu chuyện cũng xoay quanh tầm quan trọng của các tổ chức cá nhân phối kết hợp với các cơ quan địa phương để đạt hiệu quả trong công tác từ thiện. Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Địa phương khó khăn, ngân sách của xã không đủ, không có. Với phương châm ưu tiên bà con hàng đầu, đảm bảo nhu cầu của cộng đồng cấp bách thì sự hỗ trợ nhanh chóng của các đoàn cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng rất cần thiết. Chúng tôi với tư cách là cơ quan địa phương rất sẵn sàng phối hợp, hợp tác với cá nhân, tổ chức, để giúp bà con cộng đồng, giúp hoạt động từ thiện công bằng, hợp lý, hiệu quả”.

Ông Ma Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk
Ông Ma Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Đăk Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk

Đi từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Ví dụ, ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện; Công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm ương làm từ thiện của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Công tác hỗ trợ từ thiện có nơi dễ nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm của mỗi địa phương, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện. Chúng ta nên bỏ đi thủ tục cho hay không cho mà quy định hướng dẫn xem cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào hiệu quả, minh bạch. Như vậy, tùy từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì đơn vị nào có năng lực phù hợp, bất kể tổ chức nào cũng đều có thể đứng ra điều phối công tác từ thiện”.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

... cần một quy trình chuẩn, chuyên nghiệp

Với việc thúc đẩy hệ sinh thái từ thiện phát triển Việt Nam, trụ cột chính sách Nhà nước vô cùng quan trọng. Cụ thể, với Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang được dự thảo sửa đổi, tọa đàm tập trung vào việc phát huy tinh thần công dân tham gia đóng góp ý kiến.

Phân tích cụ thể về dự thảo Nghị định 64 sửa đổi, luật sư Nguyễn Tiến Lập nêu quan điểm: “Nghị định 64 sửa đổi ra đời lúc này là rất cần thiết. Về lâu dài hơn, trong 5 năm tới, chúng ta cần một Luật bao quát hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế; Bao quát cả hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực; Đảm bảo khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc; Bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội”.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Trong phiên thảo luận toàn thể, hội thảo đã tạo ra một không gian mở để các đại biểu cùng nhau trao đổi, đưa ra các đề xuất. Một số ý kiến tiêu biểu được các đại biểu đưa ra chi tiết cho Nghị định 64 sửa đổi liên quan đến việc tạo điều kiện cho cả cá nhân và tổ chức cộng đồng tham gia công tác từ thiện; Đa dạng hóa nguồn lực cộng đồng, huy động nguồn lực trong dân và cả nguồn lực từ nước ngoài; Tạo điều kiện sự phân phối, việc thực hiện dễ dàng, tới đúng được được đối tượng đích, đảm bảo tính chuyên nghiệp hiệu quả, có minh bạch và trách nhiệm giải trình, và bao gồm cả công tác giám sát, giải trình không chỉ tài chính mà giải trình kiểm toán xã hội, cũng như công tác ghi nhận, khen thưởng sau đó…

Các đại biểu cũng thảo luận Nghị định cũng cần ghi nhận và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội là các tổ chức của cộng đồng, sát dân và có thể hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả, lâu dài. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, vai trò của truyền thông xã hội rất quan trọng, khuyến nghị các điều khoản khuyến khích sử dụng thành tựu công nghệ trong các hoạt động viện trợ đảm bảo hiệu quả, minh bạch.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu: “Từ thiện rất dễ gây tâm lý tổ chức tràn lan, không mang lại hiệu quả. Công tác từ thiện cũng cần một quy trình chuẩn, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn lực.

Về lâu dài thì khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện, khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả là rất cần thiết”.

Hoàng Châu
Link bài gốc Copy link
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội