Hiến kế phát triển thị trường du lịch nội địa của Hà Nội


TTTĐ - Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Sở Du lịch sáng 19/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá vì sao lại xảy ra tình trạng không thu hút được khách nội địa, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan; Từ đó hiến kế, đề ra những giải pháp đột phá nhất, cấp bách nhất, đạt được mục tiêu đón lượng khách nội địa năm 2021 bằng 50 - 70% của năm 2019.
Sự phục hồi của ngành Du lịch là nhân tố quyết định đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội

Xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch trong năm 2021

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, ngành Du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến, nguồn khách trong nước đi du lịch quốc tế và nguồn cầu du lịch trong nội địa. Kết quả đón khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2019, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động.

Cụ thể, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách (giảm 70% với năm 2019). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách (giảm 84,4%); Khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách (giảm 65%).

Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 90% số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động và có 950/3.587 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28,02 nghìn tỷ đồng (giảm 73% so với năm 2019 và tương đương giảm 75,79 nghìn tỷ đồng).

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang báo cáo tại buổi làm việc
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang báo cáo tại buổi làm việc

Trong bối cảnh đó ngành Du lịch đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của dịch, kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, năng lực quản trị, nhờ đó, mức giảm doanh thu lữ hành 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 của Hà Nội là 46,8% (thấp hơn mức bình quân của cả nước giảm ở mức 58,6%).

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cũng nêu lên 7 nhóm hạn chế, khó khăn đối với ngành Du lịch. Trong đó, chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm trải nghiệm phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, hệ thống nhà hàng, ẩm thực, cơ sở mua sắm chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách.

Bên cạnh đó, tiến độ một số đề án, dự án phát triển du lịch triển khai còn chậm, nhất là các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp...

Trên cơ sở các dự báo và xem xét đánh giá, so sánh kết quả ngành Du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, thực tế diễn biến dịch Covid-19 trong những tháng qua, Sở xác định mục tiêu năm 2021 là tập trung nguồn lực vào thúc đẩy thị trường du lịch nội địa; Theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 để chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép nhằm khôi phục hoạt động của ngành du lịch.

Ngoài ra, ngành Du lịch xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021, với chỉ tiêu kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50 - 70% so với năm 2019 (tương ứng đạt từ 10,96 - 15,34 triệu lượt khách) và khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách.

Trong đó, ngành Du lịch kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sẵn sàng đón và phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất về thu hút khách du lịch nội địa cho năm 2021 với mức 15,34 triệu lượt khách (bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%.

Tập trung giải pháp để phát triển thị trường du lịch nội địa

Gợi ý để các đại biểu tập trung thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ mạnh hơn những điểm yếu của ngành Du lịch Hà Nội. Với diễn biến dịch như hiện nay, dự báo sớm nhất phải đến năm 2022 trở đi thì khách du lịch quốc tế mới phục hồi lại như thời điểm trước đại dịch, do vậy, nhiệm vụ giai đoạn này phải đẩy mạnh du lịch nội địa.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá vì sao lại xảy ra tình trạng không thu hút được khách nội địa, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là chủ quan để từ đó hiến kế, đề ra những giải pháp đột phá nhất, cấp bách nhất, đạt được mục tiêu đón lượng khách nội địa năm 2021 bằng 50 - 70% của năm 2019.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, hiện nay, Hà Nội chưa thực sự là nơi hút khách du lịch, mà là nơi phân phối khách. Đối với Hà Nội, để hút được khách du lịch không chỉ bằng các sự kiện nhỏ lẻ, mà phải tổ chức các sự kiện lớn, bởi các sự kiện có vai trò rất quan trọng trong thu hút khách nội địa.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần phát triển các loại hình “Du lịch MICE” thông qua tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị để lan tỏa, thu hút khách du lịch. Hà Nội cũng cần phát triển các trung tâm mua sắm lớn, các trung tâm Outlet (bán các sản phẩm tồn kho, giảm giá hoặc hết mùa) để phục vụ khách du lịch.

Đánh giá cao việc Thường trực Thành ủy làm việc với ngành Du lịch ngay từ những ngày đầu năm, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng: TP hiện có 17 huyện, thị xã, tiềm năng còn nhiều, phải làm sao phát triển để cho người Hà Nội du lịch ngay tại địa bàn mà không cần phải đi đến các tỉnh quá nhiều. Hiện nay, nhu cầu của khách du lịch sau thời gian giãn cách xã hội cũng thay đổi khá nhiều, đi du lịch gần hơn, thời gian ngắn hơn nhưng các điểm đến của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Để thay đổi, Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, các huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tư vấn đánh giá, hỗ trợ, thậm chí góp vốn cùng để phát triển các sản phẩm du lịch mới ngay trong năm nay.

Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cũng kiến nghị thành phố nên có các tuyến xe buýt kết nối đến các điểm du lịch; Tổ chức nhiều hơn các sự kiện để thu hút mạnh hơn khách du lịch đến Hà Nội...

Theo Phó Giám đốc Viettravel Hà Nội Phạm Văn Bảy, Hà Nội chưa tự triển khai các sản phẩm du lịch 3 ngày 2 đêm như Đà Nẵng, Quảng Ninh; Các điểm “tiêu tiền” của Hà Nội cũng khiêm tốn; Chưa có khu phát triển kinh tế ban đêm... Vì vậy, Hà Nội cần phát triển các sản phẩm du lịch để “níu chân” du khách chứ không chỉ là điểm trung chuyển như hiện nay.

Lan Chi
Link bài gốc Copy link
Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội