Chuyện cô giáo mầm non 27 năm xây trường học hạnh phúc Hà Nội: Giáo viên thay đổi vì trường học hạnh phúc |
Khởi đầu là hạnh phúc…
Cụm từ “Trường học hạnh phúc” không còn xa lạ với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình Trường học hạnh phúc bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc”. Đến nay, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng chất lượng giáo dục.
Học sinh trường Tiểu học Liên Hà A đọc sách tại thư viện nhà trường |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân (Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam), trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày.
Ngoài ra, trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh.
Không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường học hạnh phúc còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí nhưng cốt lõi có 3 tiêu chí quan trọng đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc.
Chung tay xây trường hạnh phúc
Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn Thành phố thời gian qua cho thấy, tùy điều kiện và lứa tuổi học sinh, những tiêu chí trên đã được triển khai thành các nội dung cụ thể, phù hợp. Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Đối với mỗi học sinh trường Tiểu học Liên Hà A, xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội), phòng thư viện luôn là không gian yêu thích nhất của các em. Tại đây, các em được hòa mình vào không gian rực rỡ sắc màu, được sống cùng với các nhân vật trong mỗi câu chuyện các em đọc, được khám phá những kiến thức mới và đặc biệt, các em có thể giao lưu, trò chuyện, vui đùa thoải mái cùng những người bạn của mình sau mỗi giờ học tập căng thẳng. Không gian này cũng góp phần không nhỏ trong việc mang đến niềm vui, sự hạnh phúc cho học sinh sau mỗi ngày đến trường.
Ngôi trường Mầm non Thụy Hương khang trang, sạch đẹp được xây dựng bằng tâm huyết của người giáo viên đã tạo nên sự hứng thú cho học sinh, sự yên tâm, tin tưởng của phụ huynh |
Muốn xây dựng “trường học hạnh phúc”, trước tiên phải xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phát động phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp đến toàn thể giáo viên và học sinh, đồng thời kêu gọi sự quan tâm ủng hộ vànhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo phụ huynh để bổ sung cơ sở vật chất cho nhà trường.
Hội cha mẹ học sinh trường Tiểu học Liên Hà A đã phát động và thực hiện công trình Làm giàn hoa, cây cảnh dài 60m với 120 giỏ hoa treo giàn tặng nhà trường, đồng thời đầu tư thêm thảm cỏ khu sân khấu, sàn gỗ và khu thư viện mini, vách ngăn 3 khu cầu thang, giá hoa đặt tại các lớp và các công trình cây xanh trong khuôn viên trường học… qua đó tạo cảm giác gần gũi, sảng khoái và hấp dẫn các em ngay từ khi bước chân vào trường học.
Còn đối với cô Nguyễn Thị Phương Hạnh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Mầm non Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội): "Để xây trường hạnh phúc, mỗi nhà giáo khi đến trường mang cả trái tim yêu thương đến với học trò thì sẽ tạo nên ngôi trường hạnh phúc. Trẻ cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì lúc ấy ngôi trường hạnh phúc được hình thành".
Dựa trên kinh nghiệm và thực tế từng có nhiều năm đứng lớp giảng dạy, cô Hạnh đã xây dựng lên các không gian sáng tạo riêng cho trẻ hoạt động. Với không gian này, trẻ được thỏa thích sáng tạo những gì mình thích, mình muốn.
Cùng với đó, nhà trường đã xây dựng được hai khu phát triển thể chất diện tích 300m2 tại khu trung tâm và điểm lẻ để trẻ hoạt động, vui chơi, phát triển tầm vóc cân đối, hài hòa. Nhà trường cũng cải tạo vườn trường, trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, vườn rau để trẻ được trải nghiệm, khám phá cũng như tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Các loại rau còn góp phần bổ sung vào bữa ăn của trẻ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lớp đều có góc thiên nhiên để trẻ được hoạt động hằng ngày. Sân trường cũng được thiết kế sáng tạo để trẻ thêm hứng thú khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện chương trình Thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về cách nhìn học trò, thay đổi nhìn nhận vai trò của mình không chỉ là người dạy kiến thức mà phải là nhà tâm lí nhà giáo dục, phải trở thành người mẹ thứ hai thay mặt cho gia đình cho xã hội giáo dục từng học trò thay đổi. Thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh. Từ thay đổi của các thầy cô giáo, tạo ra nguồn cảm hứng và tạo ra sức mạnh làm cho học trò thay đổi. Các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ trở thành nhà tâm lí giáo dục, trở thành người truyền cảm hứng và gánh trách nhiệm nặng nề là giúp cho mỗi trò đều tiến bộ.
Các thầy cô giáo dạy học cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện cách ứng xử giữa con người với con người ở thời đại mới, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôn trọng học sinh, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của học sinh. "Thầy cô thay đổi thì thầy cô được hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc thì tạo ra học sinh hạnh phúc, cha mẹ học sinh cũng hạnh phúc, và tạo ra không khí hạnh phúc cho các gia đình. Tôi hi vọng nếu điều này lan tỏa thì xã hội cũng sẽ hạnh phúc, giáo dục thay đổi", nhà giáo Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ.
Tháng 10/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch liên tịch yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục cụ thể hóa nội dung xây dựng “Trường học hạnh phúc” cho phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học, bậc học và ngành học để thực hiện trong năm học 2021 - 2022 và các năm học tiếp theo. Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục của mình; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, chủ động tiếp cận chủ trương, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình triển khai đổi mới một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần triển khai phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” một cách thiết thực, hiệu quả, hạn chế tính hình thức; chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành, trọng tâm là cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”...
Mô hình “Trường học hạnh phúc” là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành Giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra.