Tổng Lãnh sự Úc Julianne Cowley phát biểu tại buổi chung kết Cuộc thi Thiết kế |
Đề xuất được hình thành trong khuôn khổ Cuộc thi Thiết kế tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người do Đại học RMIT tổ chức nhằm thể hiện sự bình đẳng - một trong những giá trị cốt lõi của nhà trường.
Với phương châm "nhìn vào khả năng, không nhìn vào khiếm khuyết”, cuộc thi tôn vinh khả năng và tiềm lực của từng cá nhân, cũng như khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người ở nơi làm việc nhằm đem đến cơ hội thành công trong sự nghiệp.
Trong vòng một tháng, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hơn 100 sinh viên, cố vấn và đối tác doanh nghiệp, những người đồng lòng cam kết hỗ trợ tạo ra môi trường làm việc hợp tác và tương trợ lẫn nhau tại Việt Nam, đồng thời xóa bỏ những kỳ thị và định kiến trong xã hội liên quan đến người khuyết tật.
Dushan Puhulwellage - sinh viên ngành Kỹ thuật (Kỹ sư Robot và Cơ điện tử) - thành viên đội Eccentrics |
Đam mê và nhiệt huyết thể hiện trong cuộc thi đã thu hút sự chú ý của các tổ chức phi lợi nhuận, các hiệp hội và doanh nghiệp, và góp phần lan tỏa thông điệp về môi trường làm việc bình đẳng tới cộng đồng.
Giải Nhất cuộc thi thuộc về nhóm Eccentrics, gồm ba sinh viên RMIT - Utkarsh Sarbahi, Lương Tấn Huy và Dushan Puhuwellage cùng cố vấn từ Schaeffler Việt Nam. Nhóm đưa ra ý tưởng tạo một thiết bị cảm biến không dây và cơ chế nhận diện giọng nói cho người khuyết tật.
Bạn Puhuwellage chia sẻ: "Hành trình của chúng tôi sẽ không dừng lại tại đây. Một số giám khảo và cố vấn đã tiếp cận nhóm và ngỏ lời muốn hỗ trợ để tiếp tục thực hiện dự án ý nghĩa này".
Giải Nhì thuộc về đội Bibbidi Bobbidi Boo với ý tưởng phát triển phần mềm chuyển âm nhạc sang ngôn ngữ Braille cho nhạc công khiếm thị. Còn giải Ba thuộc về nhóm đề xuất phát triển phần mềm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và một cổng thông tin điện tử.
Cuộc thi Thiết kế tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người do Đại học RMIT tổ chức nhằm thể hiện sự bình đẳng - một trong những giá trị cốt lõi của nhà trường |
Suốt thời gian diễn ra cuộc thi, sinh viên đã được hỗ trợ và chỉ dẫn cách thức thu hẹp khoảng cách giữa sự khuyết tật và cơ hội việc làm, cũng như thúc đẩy hòa nhập tại nơi làm việc, qua hợp tác với 21 đối tác doanh nghiệp gồm Navigos, INTEL, Schneider Electric, Sanofi, Enablecode, Schaeffler, Saitex International Đồng Nai, cùng năm chuyên gia tư vấn từ UNDP và các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế như Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, và Tổ chức Habitat for Humanity.
Tổng Lãnh sự Úc Julianne Cowley, một trong những giám khảo, bày tỏ ấn tượng với những thiết kế sáng tạo cũng như động lực của các thí sinh dự thi: “Những gì tốt nhất đại diện cho giáo dục cũng như đổi mới sáng tạo Úc đều được thể hiện chân thực và rõ nét qua cuộc thi. Các nhóm với thành phần hết sức đa dạng đã cùng làm việc và đưa ra những giải pháp sáng tạo thể hiện rõ tinh thần khởi nghiệp Việt Nam”.
Tại Đại học RMIT, kết nối doanh nghiệp và việc học của sinh viên đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục của nhà trường nhằm mang đến cho sinh viên những hiểu biết vô giá, cũng như tạo điều kiện cho các bạn tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế ngay từ giảng đường đại học.