Bến vắng, người thưa
Hôm nay là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý) các bến xe của Hà Nội thưa vắng bất ngờ. Đường phố Hà Nội cũng không có cảnh ùn tắc như mọi năm.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại nên lượng khách qua các bến xe của Hà Nội giảm mạnh. Đợt phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán năm nay được xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2 (tức ngày 20 tháng Chạp), tới nay khách qua bến chỉ bằng 50-60% so với các ngày trước đó.
“Thậm chí ngày 23 tháng Chạp (tức 4/2), hay 3 ngày cuối tuần vừa qua (ngày 5-7/2) được kỳ vọng sẽ đông khách nhưng thực tế các bến xe của Hà Nội còn vắng hơn ngày thường. Chúng tôi hi vọng từ 27 - 29 tháng Chạp, khách có thể tăng trở lại, khi người dân chính thức nghỉ Tết”, ông Nguyên Anh Toàn cho hay.
Các quầy bán vé đi các tuyến đều trong tình cảnh đìu hiu, lác đác mới có 1-2 khách vào bến mua vé lên xe |
Ghi nhận của phóng viên, tại Bến xe Giáp Bát, vài chục quầy bán vé đi các tuyến đều trong tình cảnh đìu hiu, lác đác mới có 1-2 khách vào bến mua vé lên xe.
Chị Phan Thị Hà (quê ở Nam Đàn, Nghệ An) cho biết. “Năm nay vắng khách nên không phải vất vả xếp hàng mua vé chờ xe như mọi năm. Do lượng khách thưa vắng, cùng với việc hành khách và nhân viên bán vé đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang nên tôi cũng đỡ lo”.
Thưa vắng khách cũng là tình cảnh tại Bến xe Nước Ngầm, Gia Lâm và Mỹ Đình. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, những năm trước, dịp Tết, bến xe tấp nập từ sáng sớm đến chiều tối, phải dùng đến phương án tăng cường xe để giải tỏa hành khách nhưng năm nay tình hình trái ngược. Nếu ngày thường, bến đón - đưa khoảng 6.000-8.000 hành khách/ngày, thì cao điểm phục vụ dịp Tết, chỉ có khoảng 3.000-4.000 khách/ngày, có ngày còn ít hơn. Số xe xuất bến cũng chỉ đạt 40-50%.
Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) Trần Hoàng chia sẻ: “Chưa có Tết năm nào lượng khách qua các bến xe trên địa bàn Thủ đô lại thưa vắng như năm nay”.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý 3 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình), trong ngày 8/2 (tức 27 tháng Chạp năm Canh Tý), tổng lượng xe hoạt động tại 3 bến là 1.510 xe chỉ bằng 69% so với ngày thường và 55% so với ngày 27 tháng Chạp năm Kỷ Hợi. Tương ứng, lượng khách chỉ bằng 88% và 18%. Ngày 9/2, lượng khách cũng chỉ tương đương như ngày 8/2. Trong các ngày từ 21 đến 26 tháng Chạp năm Canh Tý, ngày cao nhất, tổng lượng khách của 3 bến cũng chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.
Lái xe Trần Văn Thanh chạy tuyến Bến xe Nước Ngầm – Hà Tĩnh than thở: “Cả năm 2020 đã khó khăn vì dịch Covid-19, người làm vận tải chỉ còn trông chờ vào mấy ngày Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng cao. Nhưng rất tiếc, dịp này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân hạn chế đi lại để phòng, chống dịch nên lĩnh vực vận tải tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết giảm mạnh |
Với đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, những ngày qua lượng khách trả vé rất nhiều, đặc biệt chiều cao điểm từ Nam ra Bắc trước Tết và Bắc vào Nam sau Tết. Ngoài lo ngại dịch bệnh, việc nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly tại nhà không ít hành khách lựa chọn ở lại thay vì về quê đón Tết. Dù đã cao điểm Tết, nhưng tuần qua ghi nhận có ngày đoàn tàu rời ga Sài Gòn đi Hà Nội chỉ với 30-50% số ghế được lấp đầy, nhiều toa không có khách. Thậm chí, tại ga, khách tới trả vé còn đông hơn khách tới đi tàu.
Trong 2-3 ngày gần đây, tỷ lệ lấp đầy có tăng hơn, có đoàn tàu lấp đầy 95% số ghế. Cùng đó, khách đã quay lại mua vé về Tết, khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng biện pháp giám sát y tế với người về từ các tỉnh thành có ca bệnh.
Các bến xe, nhà xe tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị kinh doanh vận tải, khai thác bến xe cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thu thập đầy đủ các thông tin về hành khách.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm công tác phục vụ vận tải an toàn, thông suốt trong các giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Mọi hành khách cũng đều phải đeo khẩu trang khi vào bến và được đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình |
Tại bến xe Gia Lâm, sau khi các tuyến xe khách đi các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19 bùng phát tại hai địa phương này, lưu lượng khách qua Bến xe Gia Lâm đã giảm khoảng 50% so với bình thường. Tuy nhiên, công tác kiểm soát dịch tại đây không vì thế mà lơ là.
Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Đức Vui cho biết: “Toàn bộ cán bộ, công nhân viên luôn phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, thường xuyên rửa tay xà phòng, sát khuẩn. Mọi hành khách cũng đều phải đeo khẩu trang khi vào bến và được đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình”.
Thông thường, từ ngày 23 tháng Chạp, nhu cầu hành khách về quê ăn Tết rất cao. Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hơn 2.000 xe tăng cường, song theo báo cáo của các đơn vị quản lý bến xe, đến cuối ngày 4/2 (đúng ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý 2020), chưa có xe tăng cường nào được sử dụng. Trong khi đó, do vắng khách nên lượng xe trong các bến đều chưa hoạt động hết công suất.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, hiện các doanh nghiệp vận tải đều tăng cường giải pháp phòng, chống dịch như: Tất cả hành khách đi tàu, xe đều được lập danh sách để phục vụ truy vết (nếu cần); Khách bắt buộc phải đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, giữ khoảng cách; Phương tiện được khử trùng vào cuối ngày; Nhiệt độ trên phương tiện được duy trì từ 26 độ C trở lên…
Trong khi đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Để phản ánh chung về trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông, người dân có thể liên hệ số: 081.9115911 (Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia). Để phản ánh vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, liên hệ số: 0995.67.67.67 hoặc 069.2342608 (Cục Cảnh sát giao thông); 0912.125.055 (Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ); 0916.608.085 (Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ). Với đường sắt, liên hệ số: 0865367565 (Cục Đường sắt Việt Nam). Với hàng không, liên hệ số: 0916.562.119 (Cục Hàng không Việt Nam). Với đường thủy, liên hệ số: 0243.8451888 (Cục Đường thủy nội địa); Với hàng hải, liên hệ số: 0914689576 (Cục Hàng hải).