Ông Lê Xuân Phương có những chia sẻ thú vị trên báo Tuổi trẻ Thủ đô về Golf và khởi nghiệp của bạn trẻ.
Từ tô mì gói ở tiệm…
-Là doanh nhân tiên phong khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập với kinh thế thế giới, ông nhận xét như thế nào về tinh thần khởi nghiệp hiện nay của người Việt Nam nói chung và các bạn thanh niên nói riêng?
- Trước hết, tôi xin chia sẻ niềm phấn khởi trong lòng đối với đất nước về sự đổi mới, mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới. Có thể xem như một chú rồng đang chuyển mình chuẩn bị thức giấc, tôi vẫn thường nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng lạc quan như vậy.
Doanh nhân Lê Xuân Phương |
Câu chuyện về khởi nghiệp dù ở bất cứ thời điểm nào trong suốt bấy nhiêu năm từ thời tôi còn trẻ đến hiện nay là thế kỷ XXI vẫn không có gì khác cả. Tất cả chúng tôi, những doanh nhân qua các thế hệ đều có cùng một điểm chung, luôn nung nấu cho mình ngọn lửa, sự khát khao kiến tạo nên tương lai. Điều đó hơn cả việc doanh thu mỗi năm bao nhiêu tiền, lời lỗ thế nào. Ngày nay, khi nhìn các bạn trẻ bắt tay khởi nghiệp kinh doanh, chúng tôi đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình năm xưa.
- So với thế hệ của ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn của họ khi tham gia khởi nghiệp?
- Xin phép lấy bản thân tôi làm ví dụ. Tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm (mì gói và thích ẩm thực). Các bạn nghĩ xem nấu một gói mì rất đơn giản. Chỉ việc mở bao giấy, bỏ mì vào tô, cho các gói gia vị kèm theo, châm nước sôi, chờ vài phút là ta có thể dùng. Tuy nhiên, muốn nấu một gói mì khiến hương vị còn hơn cả những gì nhà sản xuất làm sẵn cho chúng ta và thưởng thức tô mì đó như bạn ăn tô mì ở tiệm thì là câu chuyện khác. Bạn phải biết tỷ lệ đường, nước mắm hoặc thêm chút tỏi phi, sa tế, tôm luộc, thịt bằm, thịt bò tái… sao cho khi bạn thêm rau, giá vào thì lúc đó tô mì sẽ không còn nhạt nhẽo.
Như trên, tôi có nhắc đến về bước chuyển mình của đất nước, rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tốt hơn thời kỳ chúng tôi khởi nghiệp. Người ta vẫn nói, mọi ví von luôn khập khiễng nhưng quả thực với những chính sách hỗ trợ và sự ưu ái của đất nước dành cho các bạn hiện tại, chẳng khác nào như gói mì cha mẹ đã luôn mua sẵn, để trên kệ bếp…
Đừng đơn giản, ngay cả khi uống một ấm trà
- Không những là doanh nhân nổi tiếng, người ta còn biết đến một Lê Xuân Phương tài năng trong lĩnh vực golf. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề sân golf chính là nơi marketing tuyệt vời…
- Kinh doanh và golf có những nét tương đồng. Môn golf chinh phục bản thân, mỗi cú đánh giống như bạn đưa ra một quyết định trong kinh doanh. Muốn thành công phải nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê. Thành công hay thất bại ngoài yếu tố chuyên môn còn có cả những yếu tố khác hội tụ.
Nếu bạn hồ hởi bước vào sân với cây gậy golf trên tay chỉ để marketing thì tôi khuyên các bạn hãy dừng cách nghĩ ấy lại. Hãy tìm hiểu, chuẩn bị cho mình kiến thức cần thiết, tập cho mình phong thái của một golf thủ và sẵn sàng để trở thành golf thủ. Không có sân chơi nào từ chối bạn khi bạn đã sẵn sàng tham gia. Quá nóng vội thì chẳng bao giờ hoàn thành một vòng golf như mong muốn, thành công phải khổ luyện, không dành cho yếu tố may rủi, ngoại trừ giải Hole-in-one!
- Khởi nghiệp là cái bắt đầu còn nhiều thiếu thốn, trong khi golf là thú chơi sang chảnh. Đã không ít người “nuôi mộng” tìm được thị trường ở sân golf xong “vỡ mộng” phát sinh nhiều tốn kém?
- Hãy xem sân golf thuần tuý là môi trường giải trí và rèn luyện sức khỏe, khi đó các quan hệ thiết lập qua các vòng golf sẽ tự nhiên mở ra những cơ hội trong kinh doanh. Có một người đi trong đêm mà xung quanh chỉ có ánh sáng nhập nhèm của ánh trăng bị mây che, đột nhiên nhìn thấy giữa đường có một thứ nhìn như con rắn… Anh ta sợ hãi định bỏ chạy thì khi ấy mây bị gió thổi đi và trăng lại sáng tỏ. Anh ta nhận ra đó chỉ là cọng dây thừng.
Khi các doanh nhân trẻ nhìn nhận lệch hướng về thị trường mục tiêu ở sân golf thì chuyện vỡ mộng là không tránh khỏi. Lầm cọng dây thừng là con rắn thì khi nhận ra chỉ thở phào nhẹ nhõm còn đầu tư nhầm thị trường thì hậu quả ảnh hưởng không ít đến tương lai. Làm vậy có vẻ như chúng ta bước vào kinh doanh mà chỉ nhìn vào túi tiền của người khác, làm ăn thì phải tính toán nhưng làm người thì phải chân thật.
Quỹ phát triển tài năng trẻ về golf và khởi nghiệp
- Những trăn trở của doanh nhân Lê Xuân Phương trong việc thành lập một quỹ phát triển tài năng trẻ về golf hoặc quỹ phát triển tài năng người Việt trẻ khởi nghiệp?
- Tôi đến với golf từ rất sớm, khi đất nước mở cửa, các sân golf đầu tiên đi vào hoạt động. Sau bao năm chơi golf, tôi đã chứng kiến môn thể thao này ngày phát triển nhưng sân chơi dành cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Trong thâm tâm tôi mong muốn có một tổ chức đứng ra tiếp sức cho các tài năng golf trẻ để ngày không xa chúng ta có những vận động viên golf thành công trên các sân chơi khu vực và quốc tế.
Trong kinh doanh cũng vậy. Cái thiếu của các bạn trẻ là kinh nghiệm và trải nghiệm hơn là vấn đề tài chính nên rất cần những chia sẻ, định hướng từ các doanh nhân thành đạt. Quỹ phát triển tài năng người Việt trẻ khởi nghiệp cần thiết cũng là vì như thế.
-Xin cảm ơn ông!