Hội thảo nhằm tích lũy cho giáo viên những kiến thức thiết thực và chuyên sâu, tạo ra các động lực bên trong để giáo viên tự thay đổi, tự chuyển hóa bản thân để trở nên hoàn thiện hơn, cùng xây dựng nên một trường học hạnh phúc.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các thầy, cô giáo |
Tới tham dự hội thảo có ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội; Ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD &ĐT Hà Nội; Nhà giáo Hoàng Minh Hương - Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội).
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các cô giáo trong nhà trường chia sẻ những ý kiến của mình trên con đường xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Cô giáo Đặng Thu Trang đưa ra quan điểm về sự “hiểu và thương”, thức tỉnh từ sâu trong tâm trí mỗi người niềm hạnh phúc an yên để cảm nhận được giá trị những điều mình đang có, từ đó nuôi dưỡng mầm xanh hạnh phúc trong mỗi giáo viên.
Ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD &ĐT Hà Nội chia sẻ tại hội thảo |
Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt lại chia sẻ về những tiết học hạnh phúc mà ở đó người giáo viên với vai trò thắp lửa, khơi gợi niềm vui thích, đam mê học tập của các em học sinh bằng những kĩ thuật, phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả.
Còn “cô giáo lắm chiêu” Phạm Ngọc Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5 - nêu lên những việc mà cô đã làm khiến cho học sinh cảm thấy hạnh phúc. Đó chính là con đường nuôi dưỡng “Thân - Tâm - Trí” với những câu chuyện rất chân thực, xúc động, đầy tâm huyết của mình.
Mỗi ý kiến, mỗi sự chia sẻ của các cô giáo đều nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình từ phía người nghe. Tập thể công đoàn viên nhà trường cũng hăng hái đóng góp thêm những ý kiến của mình khiến không khí buổi hội thảo trở nên sôi nổi, đầm ấm.
Cũng trong buổi hội thảo, các vị đại biểu còn được gặp gỡ vị khách mời đặc biệt là nhà giáo Phan Anh - chuyên gia giáo dục của hệ thống trường Vinschool chia sẻ về “công thức” làm nên hạnh phúc. Thầy giáo khẳng định: “Học sinh hạnh phúc khi các em có được môi trường học tập lành mạnh, cảm thấy vui vẻ, tích cực tham gia và đạt được thành công”.
Các đại biểu và thầy cô Trường tiểu học Kim Đồng chụp ảnh lưu niệm |
Từ đó, thầy Phan Anh đưa ra những suy ngẫm về cách ứng xử với học sinh, giới thiệu những “văn hóa” của lớp học hạnh phúc mà ở đó “nhân cách được đề cao, thái độ chăm chỉ được coi trọng, sự khiêm tốn được yêu quý và sự hỗ trợ nhau là vô điều kiện”, xây dựng “chân dung” người thầy làm nên hạnh phúc với sự thấu cảm, niềm đa mê và tri thức. Phần chia sẻ của thầy đã khiến cho các giáo viên nhà trường vô cùng hào hứng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội khen ngợi Ban giám hiệu trường Tiểu học Kim Đồng và tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã không ngừng nỗ lực dạy tốt, học tốt trong hoàn cảnh nhà trường đang phải đi học tạm ở 3 điểm trường khác nhau.
Ông Trung đánh giá cao các hoạt động mang ý nghĩa và tính thực tiễn nhà trường đã triển khai qua hội thảo; Đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, lan tỏa tinh thần của hội thảo; Tăng cường các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển mỗi nhà trường và đặc biệt đưa phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc ” đi vào thực chất và đạt kết quả cao.
Cuối hội thảo, cô giáo Bùi Bích Phượng đã gửi tặng bài thơ “ Gieo mầm hạnh phúc” lấy cảm hứng từ 5 giá trị cốt lõi trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là các giá trị: An toàn - Yêu thương - Tôn trọng - Hiểu - Có giá trị.