Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động tìm việc làm


TTTĐ - Thị trường lao động trong năm 2020 có những biến động mạnh, tác động bất lợi đến người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiếp đó là bão, lũ ở miền Trung. Tuy nhiên, với vai trò của mình, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã và đang thực hiện tốt hoạt động kết nối cung - cầu, dự báo thị trường lao động, đồng thời kết nối hỗ trợ người lao động tìm việc, vượt qua khó khăn.

Phao cứu sinh cho người lao động

Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số người mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường; Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; Tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.

Trước tình hình trên, Cục Việc làm đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; Điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ấn nút khai trương Cổng thông tin Dịch vụ việc làm cuối năm 2020
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ấn nút khai trương Cổng thông tin Dịch vụ việc làm cuối năm 2020

Cục chỉ đạo hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, rút ngắn thời gian tìm việc làm và thời gian tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm. Nhờ các giải pháp trên, bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi. Nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt; Các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Trong năm 2020, các Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức khoảng 1.000 phiên giao dịch; Tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 2 triệu người; Trong đó khoảng 700.000 người được kết nối việc làm thành công.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước tính là 64,5%, tăng 3,3% so với năm 2019. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 24,5%, tăng 1,4% so với năm 2019; Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 tiếp tục duy trì mức <4%, đạt kế hoạch đề ra.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ký kết bàn giao cổng dịch vụ việc làm với đại diện Hàn Quốc
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ký kết bàn giao cổng dịch vụ việc làm với đại diện Hàn Quốc

Chính sách BHTN phát huy tác dụng

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực người sử dụng lao động và người lao động. Đây thực sự là điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.

Tính đến ngày 31/10/2020, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia BHXH khoảng 15,668 triệu (đạt 95,6% kế hoạch được giao). Trong đó, số người tham gia BHTN là 13,012 triệu (đạt 93% kế hoạch được giao). Ước tính đến hết năm 2020, trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi; Trên 13,3 triệu người tham gia BHTN, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/12/2020, tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước là 1.096.963 người, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2019; 1.061.307 người có quyết định hưởng BHTN, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2019; số người được hỗ trợ học nghề là 25.546 người, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2019 và số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.115.893 lượt, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chính sách BHTN đã thực sự trở thành điểm tựa cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống.

Quỹ BHTN cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động; Giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Ông Bình cho biết, đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Điều này cho thấy chính sách BHTN đã thành công, thu hút đông đảo người lao động và doanh nghiệp tham gia và cũng bảo đảm cuộc sống cho nhiều người không may bị thất nghiệp.

Trong năm 2021, Cục Việc làm sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp làm việc để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chính phủ các chính sách phù hợp.

Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan chế độ hỗ trợ học nghề theo hướng nâng mức hỗ trợ, đa dạng hình thức hỗ trợ, linh hoạt về thời gian hỗ trợ; Cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; Phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp nhu cầu của người sử dụng lao động; Đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về hỗ trợ học nghề cho người lao động nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN.

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội