Có một làng chiêng phía bên kia núi…


TTTĐ - Tôi tìm về làng Kon Blo, tức làng K8 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) vào những ngày cuối năm trong sự thúc giục của tiếng chiêng ngân giữa đại ngàn từ phía bên kia núi vọng lại.
Tiếng chiêng báo hiệu làng đang có niềm vui
Tiếng chiêng báo hiệu làng đang có niềm vui

Cồng chiêng gắn chặt với số phận mỗi người

Đối với đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh, cồng chiêng gắn chặt với số phận mỗi người, bám rễ vào đời sống tinh thần của họ. Từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành qua lễ thổi tai, lớn lên theo tiếng cồng chiêng của hội mùa, hội chọi trâu, mừng lúa mới, đám cưới để xây đắp hạnh phúc, tiếng chiêng ngân lên để san sớt, chia sẻ. Ấy thế mà theo chuyển biến thời gian, sinh hoạt văn hóa này gặp phải nhiều thách thức bởi thế hệ trẻ không còn mấy mặn mà với cồng chiêng. Họ bị vây chặt bởi muôn thứ tiện ích hiện đại trong thời đại internet.

Nhiều lần gặp các nghệ nhân ở Vĩnh Thạnh, ai nấy đều như chung niềm trăn trở. Đó là làm sao phải giữ tiếng chiêng, giữ điệu xoan, giữ hơ mon, giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình... Hành trình của các nghệ nhân và những người tâm huyết với văn hóa Bana Kriêm không đơn độc khi năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã có đề án hỗ trợ cồng chiêng cho 119 làng trên địa bàn tỉnh.

Việc lựa chọn cồng chiêng phù hợp cũng được cân nhắc tỉ mỉ. Theo ông Trần Quốc Lại, nguyên Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, mỗi dân tộc, mỗi địa phương có đặc tính riêng, số lượng cồng chiêng trong mỗi bộ lại khác nhau, âm vực chuẩn của mỗi vùng cũng khác. Do vậy, để trao tặng đến tay người dân những bộ cồng chiêng nghe ưng cái tai, ưng cái bụng nhất, Ban Dân tộc tỉnh phải kết hợp nhiều yếu tố, nhờ vào sự giúp đỡ của các nghệ nhân thông tỏ về chiêng.

Anh Đinh Y Oai, cán bộ Trung tâm VHTT-TT huyện Vĩnh Thạnh nói rằng: "Từ khi có sự quan tâm của tỉnh, đặc biệt là năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trao 31 bộ cồng chiêng cho các làng ở huyện Vĩnh Thạnh, thì điều đó như tiếp thêm lửa gìn giữ bảo tồn văn hóa bản địa. Bà con ở làng hết sức phấn khởi.

Hiện tại, mỗi làng đều có một CLB cồng chiêng tập hợp các thế hệ già trẻ có sự say mê và khiếu biểu diễn. Mỗi CLB có hơn 25 người, trong đó có ít nhất 15 nam và 10 nữ. Trong các làng, xã ở Vĩnh Thạnh thì làng Kon Blo là làng làm tốt nhất trong việc gìn giữ tiếng cồng chiêng”.

Kon Blo là một làng miền núi nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh khoảng 60km về phía Tây Nam. Đường về làng phải đi qua trập trùng những dốc đồi gập ghềnh. Có lần về thăm làng Kon Blo vào dịp cuối năm, nghe râm ran không khí mùa xuân nơi đây. Bà con khi ấy tạm gác công việc rẫy nương, tụ hội về nhà văn hóa làng để cùng dựng nhà văn hóa cộng đồng mới.

Khi nhắc đến tiếng chiêng, mắt già Đinh Hú, trưởng làng Kon Blo như sáng lên, say sưa. Ông bảo, làng giờ có tầm 14 bộ chiêng. Hồi xưa, mua một bộ chiêng mất cả đàn trâu. Thế nhưng bà con vẫn ưng cái bụng và sẵn sàng mua hoặc đổi chiêng với giá cao. Nói rồi, ông hướng tay về phía một cụ già bên cạnh: “Như nhà già Sinh hiện có hai bộ chiêng lận”. Già Sinh tám mươi bảy tuổi, già nhất làng Kon Blo. “Không chỉ đổi bằng bốn năm con trâu mà còn lặn lội vào rừng sâu, suối hẻo, hang đá để tìm rùa vàng đổi lấy chiêng.

Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất tại Vĩnh Sơn (1)
Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất tại Vĩnh Sơn

Tiếng chiêng đã ăn vào máu, ngấm vào đời sống tinh thần của người Bana Kriêm nên có bộ chiêng trong nhà là sướng cái bụng lắm lắm”, già Sinh thổ lộ. Ngày trước, chiêng được mua từ nhiều nguồn, thường bà con mua chiêng từ An Khê, Kbang. Người bán chiêng mang chiêng lên đến tận làng. “Mua về, mình nhờ các nghệ nhân lớn tuổi rành tiếng chiêng để họ chỉnh âm thêm. Có khi, họ dùng búa gò lại chiêng để phù hợp với âm điệu xưa nay của người Bana Kriêm”, già làng Đinh Hú chia sẻ. Chiêng về núi như sóc về rừng. Chiêng ở Kon Blo đã làm trọn phận sự của nó, gióng ngân lên những giai điệu của núi rừng, reo vang trong từng niềm vui hạnh ngộ...

Năm 2019, là năm mà làng Kon Blo để lại dấu ấn riêng biệt khi đạt giải A trong Ngày hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I tại Vĩnh Sơn. Và ngay trong Liên hoan cồng chiêng các DTTS Bình Định lần thứ I được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, Kon Blo là làng duy nhất trong hai đoàn nghệ nhân đại diện huyện Vĩnh Thạnh đã đóng góp một tiết mục trình tấu cồng chiêng ấn tượng với lễ hội đâm trâu.

Ở làng nầy, NNND Đinh Chương là nghệ nhân tiêu biểu cho việc giữ hồn chiêng của làng. Ông là linh hồn trong các hoạt động văn hóa văn nghệ và truyền dạy đánh cồng chiêng tại Kon Blo. Hôm mang chiêng đi tham gia Liên hoan ở tỉnh, Kon Blo với lực lượng hùng hậu 36 người tham gia. Ngày hôm đó, tôi đã gặp gia đình NNND Đinh Chương. Con và cháu ngoại Bok Chương cũng mê mẩn tiếng chiêng và là diễn viên nòng cốt của đội văn nghệ làng Kon Blo. Trong đó, con trai Bok Chương, Đinh Y Khuynh là đội trưởng đội cồng chiêng của làng.

Có một Kon Blo hiện lên như một bức tranh

Việc đánh cồng chiêng ở Kon Blo phát triển là nhờ các thế hệ đi trước đã trao truyền thành công, nhen lên tình yêu cồng chiêng trong thế hệ trẻ. Em Đinh Thị Cươn, làng K8, hiện là học sinh trường THCS-THPT Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Thạnh vui vẻ kể về những đêm thanh niên làng sau khi lên rẫy về hay tập trung lại nhà rông làng để luyện tập chuẩn bị cho ngày Hội cồng chiêng.

Đinh Thị Cươn chia sẻ rằng, một bài múa, trình tấu cồng chiêng không có nhiều động tác, cái quan trọng là phải đều, nhịp nhàng, ăn khớp giữa âm thanh cồng chiêng và điệu múa. Mỗi lần lễ hội, giao lưu văn nghệ, mừng lúa mới, người làng lại tụ hội về nhà rông biểu diễn, ca hát, vít rượu cần.

Nói về cồng chiêng, bok Chương tâm sự: “Vì yêu thích giai điệu âm vang giúp con người vui vẻ hơn này, bà con ở đây có thể nhín ăn nhín mặc để sắm chiêng. Cứ hễ có chuyện vui lớn của đời người là tiếng chiêng lại ngân lên, thúc giục, tạo không khí sôi nổi. Nghe tiếng chiêng từ xa vang vọng lại là biết ngay là làng đó đang có chuyện vui, người nghe cũng thêm phấn khởi. Bình thường, khi trình tấu chiêng, bà con mặc trang phục truyền thống. Đối với những niềm vui nho nhỏ, có thể linh động mặc trang phục bình thường mà chơi mộc”.

Người Bana Kriêm hay kết hợp đánh cồng chiêng và múa xoang (1)
Người Bana Kriêm hay kết hợp đánh cồng chiêng và múa xoang

Lần trở lại làng Kon Blo cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh - người được người dân Bana huyện Vĩnh Thạnh gọi là “từ điển sống của người Bana Kriêm”, tôi được chứng kiến cuộc trình tấu chiêng của bà con nơi đây nhân dịp bà con dựng nhà rông làng. Chiêng được mang ra, rượu được xếp thành dãy dài trước nhà rông lên hương thơm ngan ngát. Tiếng chiêng ngân lên. Men rượu say nồng. Tiếng trống Sơgâr nhịp nhàng trầm vang.

Tiếng chiêng nối nhau rộn rã. Từng nhịp chân thúc giục. Những thân hình rắn rỏi đung đưa nhịp nhàng theo vòng tròn ngược kim đồng hồ. Mừng lúa mới. Chào năm mới. Và đôi khi là một đôi bài ngẫu hứng theo một bài dân ca Bana Kriêm hoặc một đoạn nhạc mà bok Yang Danh, bok Đinh Chương bắt nhịp.

Như bị tiếng chiêng hút đi, anh Đinh Y Khuynh như quên đi vết thương ở chân chưa lành lặn mà say sưa ôm chiêng trình tấu. Cách đó ít hôm, trong một lần chở mì từ rẫy về, anh bị ngã xe. Chân anh bị bỏng gân sưng húp. Có lúc tôi ghé tai anh nhắc chừng thì anh cười hiền như đất: “Nhằm nhò gì em, đánh chiêng, vui ngày làng Kon Blo sắp có nhà văn hóa cộng đồng mới, quên hết đau”.

Có một Kon Blo hiện lên như một bức tranh trong những ngày lưng lửng giao mùa, se sẽ lạnh, hơm hớm xuân. Các nghệ nhân gióng lên những âm thanh trong ngần, vang vọng. Gương mặt ai nấy đều rạng rỡ một niềm hạnh phúc. Bất chợt trên đường làng, tôi bắt gặp một bé gái mang chiếc chiêng con thung thăng, mắt to tròn đen láy giữ chặt chiếc chiêng như là một báu vật. Nhà em ở gần đó.

Có lẽ một sự chểnh mảng nào đó của ba mẹ đang mãi loay hoay cùng làng làm nhà rông làng nên em mang chiêng ra để hòa vào âm thanh rộn vui ở nhà văn hóa cộng đồng. Tôi không gắng đi tìm lời giải đáp mà giản đơn nghĩ rằng, em đang bầu bạn với chiêng. Rồi mai đây, hẳn rằng em sẽ là một thanh niên Bana Kriêm trình tấu chiêng, gieo niềm vui trên Kon Blo. Tôi lại tự bổ sung thêm cho mình một lý do để lý giải vì sao làng Kon Blo đánh cồng chiêng hay và tiếng chiêng của làng còn vang vọng mãi…

Kon Blo những ngày này cứ khiến lòng người chộn rộn. Dường như mùa xuân đang hiện hữu trên từng môi mắt, nụ cười và khe khẽ chớm lên trong từng tiếng chiêng âm vang lay thức hân hoan. Tiếng chiêng ấy như giằng giữ bước chân khiến khách phương xa thêm phần bịn rịn để rồi tự mỗi người như thầm đặt một lịch trình trở lại…

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh: “Trong số những làng tôi tiếp xúc, có thể khẳng định Kon Blo là làng đi đầu trong các hoạt động văn hóa văn nghệ tại Vĩnh Sơn nói riêng và Vĩnh Thạnh nói chung. Đặc biệt là trình tấu cồng chiêng, Kon Blo đã khẳng định qua hai kỳ Liên hoan ở cơ sở và cấp tỉnh năm 2019.

Năm 2021, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các DTTS toàn tỉnh tại huyện Vĩnh Thạnh, tiếng chiêng lại một lần nữa được các nghệ nhân ở làng gióng lên. Nhiều người cũng đang trông đợi phần trình tấu của Kon Blo trong ngày hội lớn này".

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội