Bình Thuận - vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá


TTTĐ - Bình Thuận là một trong những địa phương có sự phát triển toàn diện, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch... Trong đó, tỉnh xác định tập trung nguồn lực, đưa du dịch trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực.

Bứt phá mạnh mẽ về năng lượng, du lịch

Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của cả nước. Trong những năm qua, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức song với ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới, Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,64%/năm, vượt so với kế hoạch. Tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách bình quân hàng năm đạt 10,6%. Chi đầu tư phát triển hơn 35% tổng chi ngân sách địa phương. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 39,3%. Bình quân hằng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 24.000 lao động; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,94%.

Bình Thuận - vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá
Đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Đặc biệt, công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là năng lượng có sự bứt phá mạnh mẽ. Tiềm năng về năng lượng tái tạo được phát huy tốt hơn; Sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao là động lực chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Cùng với nhiệt điện than, các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, hòa lưới điện quốc gia đã góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 36 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.077 MW.

Bình Thuận - vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,64%/năm, vượt so với kế hoạch

Không chỉ đẩy mạnh phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, ngành du lịch của Bình Thuận cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Sau 25 năm hình thành và phát triển, du lịch Mũi Né - Bình Thuận đã khẳng định là một thương hiệu “Du lịch biển” hấp dẫn của quốc gia, luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách. Bình Thuận được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đối với các địa phương lân cận. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đón hơn 27 triệu lượt du khách, tăng bình quân 5,64% năm.

Khẳng định một thương hiệu du lịch nổi tiếng, Bình Thuận còn tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc trưng là: Du lịch giải trí; Du lịch mạo hiểm; Nghỉ dưỡng biển và du lịch MICE hướng đến các thị trường khách quốc tế.

Tập trung vào ba trụ cột để phát triển toàn diện

Để đạt kết quả trên, những năm qua, Bình Thuận đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, lựa chọn công việc có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh đã chú trọng xây dựng các quy hoạch, định hướng rõ về sự phát triển; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển.

Bình Thuận - vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá
Bình Thuận sẽ tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy tốt hơn

Định hướng phát triển trong giai đoạn tới, đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Bình Thuận sẽ tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lý, khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm tập trung vào ba trụ cột được đề ra là: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng xác định phát triển kinh tế gắn chặt với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo; Tập trung chăm lo đời sống Nhân dân, các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế, dễ tổn thương.

Bình Thuận - vùng đất nhiều tiềm năng phát triển đột phá
Ba trụ cột được tỉnh Bình Thuận đề ra trong giai đoạn tới là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, y tế; Bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân...

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội