Ảnh minh họa |
Nội dung trên được nêu tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước.
Mặc dù năm 2020 bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào kết quả chung của cả nước qua những điểm sáng đáng ghi nhận với 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%; sản xuất công nghiệp tăng 12,5%, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với năm 2019. Cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, đạt những bước tiến đáng khích lệ; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Phước còn tồn tại những bất cập: tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm…
Để khắc phục được những bất cập trên và phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước cần chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; Trước mắt tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ.
Tỉnh cần thúc đẩy phát triển hướng đến trở thành một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh; phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa |
Tận dụng sự hỗ trợ của Trung ương, các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực; Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa chiến lược và mang tính đột phá; Trong đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai 10 dự án trọng điểm đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Xây dựng chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, giữ gìn tiếp nối truyền thống phong trào công nhân “Phú Riềng Đỏ”; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Bình Phước cần nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương. Với đường biên giới dài với nước bạn, tỉnh cần hết sức lưu ý, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh và phương tiện, hàng hóa, kiểm soát biên giới tại các cửa khẩu, lối mở để phòng, chống dịch, tránh dịch bệnh lây lan.